1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:

"Vụ án Thuduc House đã tác động rất mạnh tới tâm lý công chức thuế"

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định vụ án xảy ra tại Thuduc House, TPHCM, đã tác động rất mạnh tới tâm lý của cán bộ, công chức ngành thuế.

"Cơ quan thuế một số địa phương đang rất sợ trách nhiệm trong hoàn thuế giá trị gia tăng, bởi nhiều việc không có trong quy định pháp luật", ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế) nêu thực tế tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 do Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức sáng 9/10.

Vụ án Thuduc House đã tác động rất mạnh tới tâm lý công chức thuế - 1

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật diễn ra sáng 9/10 (Ảnh: Hằng Nguyễn).

Ông Phụng khẳng định, ngành thuế đã từng làm được việc "hoàn trước kiểm sau" rất tốt, nhưng qua mấy vụ án xảy ra giai đoạn vừa qua "bây giờ anh em rất sợ trách nhiệm".

"Có những vụ án, cơ quan thuế đã thu đủ tiền thuế đã hoàn nhưng vẫn bị xử lý trách nhiệm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Anh em tâm lý đè nặng. Rất nhiều cán bộ của Cục Thuế TPHCM xin nghỉ việc, thậm chí xin bỏ việc. Đó là bài toán rất đau đầu của ngành thuế", ông Nguyễn Văn Phụng nêu thực tế trước phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn khi hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đồng tình, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) lý giải thêm: "Vụ án xảy ra tại Thuduc House (Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức) đã tác động rất mạnh tới tâm lý của công chức. Nắm được việc đó, chúng tôi đã có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình. Tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng lên".

Thống kê cho thấy có khoảng 80% hồ sơ doanh nghiệp được hoàn thuế trước kiểm tra sau, 20% kiểm tra trước hoàn thuế sau.

"Các trường hợp vướng mắc rơi vào 20% này, chứ không phải tất cả đều vướng. Vụ việc ở Thuduc House đã cảnh tỉnh cơ quan thuế quá mức thận trọng", ông Mai Xuân Thành phản hồi thắc mắc của doanh nghiệp.

Vụ án Thuduc House đã tác động rất mạnh tới tâm lý công chức thuế - 2

Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính (Ảnh: Hằng Nguyễn).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đề xuất có quy định pháp luật để công chức thuế yên tâm khi làm hết trách nhiệm rồi sẽ được giải trừ trách nhiệm.

Doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế, cứ có hồ sơ, chứng từ, hóa đơn đầu vào là được hoàn. Hồ sơ quy định thế. Nhưng theo Luật Quản lý thuế, nếu rơi vào đợt kiểm tra trước hoàn thuế sau thì cơ quan thuế phải kiểm tra. Mà kiểm tra thế nào, đến đâu, như thế nào, xử lý ra… thì đến nay luật lại chưa có quy định cụ thể", Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nêu bất cập.

Ông Thành nhấn mạnh quá trình xác minh thuế thường rất dài, như ở TPHCM có thể phải đi xác minh ở các tỉnh khác lân cận, dẫn tới kéo dài thời gian hoàn thuế; thậm chí có trường hợp không thể xác minh được.

Quá trình xác minh, kiểm tra, cơ quan thuế buộc phải đặt ra các câu hỏi, yêu cầu xuất trình chứng từ nhưng trong thủ tục kiểm tra lại không có.

"Nếu đặt hành vi của cơ quan thuế vào thủ tục hoàn thuế thì rõ ràng không đúng. Nếu đặt vào thủ tục kiểm tra thuế theo pháp luật thì lại được phép. Điều đó gây khó khăn cho cơ quan thuế", ông Thành phân tích.

Ông Thành cho rằng, nếu quy định pháp luật cho phép người xuất khẩu được hoàn thuế, mọi sai phạm tính sau và "ai sai người đó chịu" thì sẽ làm rất nhanh. Nhưng phải sửa ngay các quy định luật và khi đó sẽ chuyển hết sang hoàn thuế trước kiểm tra sau, giới hạn trách nhiệm cho cán bộ thuế.

Đánh giá tình trạng mua bán hóa đơn đang diễn ra "rất nóng", Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định nhờ hóa đơn điện tử mà cơ quan thuế nhận diện rõ hơn tình trạng này.

"Chỉ một vụ án cơ quan công an điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đến nay đã có 524 doanh nghiệp với hàng triệu hóa đơn phát hành không có hàng hóa đi kèm. Hàng triệu hóa đơn đó có nằm trong hồ sơ hoàn thuế do cơ quan thuế chúng tôi đang nắm giữ hay không? Đó là một câu hỏi. Nếu hoàn thuế thì tại sao lại hoàn vì đây là hóa đơn đi mua đấy chứ?", người đứng đầu Tổng cục Thuế đặt vấn đề.

Đó là chưa kể ở những khâu trước đó, theo ông Thành, nhiều người đã bỏ địa chỉ kinh doanh, có nhiều người buôn bán hóa đơn, tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

"Cơ quan thuế vừa phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bài toán hiện nay là phải đảm bảo cả hai", ông Thành nêu quan điểm.

 Cán bộ thuế "dính líu" trong vụ Thuduc House như thế nào?

Hồ sơ vụ án xảy ra tại Thuduc House thể hiện, năm 2016-2020, Trịnh Tiến Dũng (chủ mưu cầm đầu vụ án, đang bỏ trốn) chỉ đạo Trần Hoàn Tiên (Giám đốc Công ty TNHH Mega E&T Việt Nam) cùng đồng phạm thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để thực hiện một loạt hành vi phạm tội.

Để được việc, Dũng và đồng phạm chi tiền để mua chuộc một số cán bộ thuế tại TPHCM.

17 công ty "ma" đã được lập, sử dụng để xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống cho 6 công ty trung gian. Các công ty trung gian này lập hồ sơ trực tiếp hoặc gián tiếp xuất hóa đơn giá trị gia tăng, hợp thức hóa đầu vào cho Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh. Phí bán hóa đơn là 0,8%/tổng doanh số của 17 công ty "ma".

Liên quan tới vấn đề "bôi trơn", tại phiên tòa diễn ra năm 2023, nhiều bị cáo khai đã chi số tiền "khủng" để các cán bộ thuế tỉnh Tây Ninh và Đồng Nai quyết định hoàn hơn 153 tỷ đồng tiền thuế.

Về nội dung này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng do không đủ thời gian nên chuyển hồ sơ tới công an hai tỉnh trên điều tra, làm rõ.