Tháo gỡ đến cùng các vướng mắc pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải
(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp khẳng định các Bộ, ngành, địa phương sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải.
Sáng 9/10, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 do Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương tổ chức (lần thứ hai) diễn ra tại Hà Nội, trực tuyến tới các điểm cầu ở địa phương.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định, đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng, hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", động lực, nguồn lực cho phát triển.
"Việc đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng tạo hành lang pháp lý, đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, bảo đảm quốc phòng an ninh trong bối cảnh mới", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.
Để đáp ứng yêu cầu đó, theo Bộ trưởng Ninh, cần thường xuyên rà soát, nhận diện và giải quyết các vấn đề pháp lý, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ ban hành 122 nghị định, 215 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 quyết định, 35 chỉ thị… về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.
"Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. GDP quý III tăng 7,4%, 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh dẫn chứng.
Bên cạnh đó, theo ông, tình hình phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực với 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (163.000).
Qua rà soát, diễn đàn lựa chọn 2 chủ đề chính được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm: Thứ nhất, các vấn đề pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; thứ hai, các vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.
Bộ trưởng Tư pháp mong muốn diễn đàn sẽ giúp nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển hiện nay.
Từ đó, ông Ninh kỳ vọng sẽ tìm ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, nhất là ở khía cạnh áp dụng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.
Xác định rõ các định hướng để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển.
"Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương, các Bộ, ngành, địa phương khẳng định tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất", Bộ trưởng Tư pháp cam kết.