1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ “90% người dân ăn gạo bẩn”: Phát biểu bị “cắt khúc” để gây sốc?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - người đưa ra nhận định "90% người dân Việt Nam đang ăn gạo bẩn" cho rằng, bài phát biểu của mình đã bị "cắt khúc" để gây sốc...

Mới đây một tờ báo đã trích lời ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (ở Cần Thơ) cho rằng: "Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn... Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo".

Ngay khi thông tin về phát ngôn trên của ông Phạm Thái Bình được đăng tải, đã có nhiều ý kiến phản đối đến từ các chuyên gia nông nghiệp, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, phản hồi tới phóng viên Dân trí, ông Phạm Thái Bình cho rằng "phát biểu của tôi bị bài báo "cắt khúc" nhằm gây sốc cộng đồng mạng và quy tội cho mình".

Ông Bình giải thích, mục đích phát biểu của mình là cảnh báo người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm ăn hàng ngày sao cho thông minh, đừng bị lừa.

Vụ “90% người dân ăn gạo bẩn”: Phát biểu bị “cắt khúc” để gây sốc? - 1

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

"Tôi nói bẩn ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói và sử dụng, cụ thể là: Trong lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ VietGAP, GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ; Organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn; mà đã là sản phẩm không an toàn người ta gọi là bẩn cũng không sai", ông Bình giải thích.

Ông Bình khẳng định nói "90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn" là căn cứ trên cơ sở có bằng chứng rõ ràng, bởi: Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4,5 triệu ha đất lúa, cho ra sản lượng trung bình khoảng 45 triệu tấn lúa, tương đương 25 triệu tấn gạo; trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu còn lại là tiêu dùng nội địa.

"Trong 4,5 triệu ha đất trồng lúa hiện tại chưa có 400.000 ha diện tích trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vậy tôi nói 90% người dân ăn gạo bẩn là còn hào phóng nữa đấy!", ông Phạm Thái Bình nói.

Theo ông Bình, Bộ NN&PTNT và Chính phủ đã phát động và khuyến khích, thậm chí gần đây chỉ đạo quyết liệt làm nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn thơ ơ, còn người tiêu dùng thì quá dễ dãi với chính bản thân mình và gia đình.

"Nhiều người suy diễn cho rằng, ý kiến đó của anh tại thời điểm này ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo. Không ảnh hưởng mà châu Âu hoặc các nước khác họ nghe thấy họ còn cho là mình thành thật và thẳng thắn! Chính nước của họ cũng đang đau đầu với thực phẩm bẩn trong đó có cả gạo chứa nhiều hóa chất", ông Phạm Thái Bình cho biết.

Liên quan đến nội dung trên, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Để khẳng định gạo có an toàn cho người Việt Nam và xuất khẩu hay không, Bộ NN&PTNT thường xuyên giám sát và lấy mẫu trên diện rộng để đánh giá mức độ an toàn của gạo. Giám sát diện rộng là phải có đủ số mẫu và lấy ở ngẫu nhiên thị trường trên cả 3 miền trên cả nước để đảm bảo gạo được trồng ở tất cả các vùng sinh thái, rồi phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“Kết quả kiểm soát trên diện rộng cho thấy, năm 2017 đã lấy 150 mẫu gạo, năm 2018 là 169 mẫu thì không phát hiện mẫu nào có chất cấm, có một số mẫu có tồn dư nhưng đều dưới ngưỡng cho phép. Ngưỡng cho phép ở Việt Nam được thiết lập trên cơ sở của Tiêu chuẩn của Codex nên sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng ở Việt Nam đều có tiêu chuẩn như nhau. Như vậy không thể nói là 90% gạo “bẩn” được”, ông Tiệp khẳng định.

Ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho biết, ngày càng có nhiều diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhưng so sánh giữa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với gạo sản xuất truyền thống thì về mặt an toàn là không khác nhau, còn chất lượng thì có khác nhau nên mới có giá khác nhau.