1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

VKSND Tối cao đang giám sát chặt chẽ vụ Huỳnh Văn Nén

(Dân trí) - Bên lề Quốc hội sáng nay 23/10, trao đổi với PV Dân trí, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan này đang giám sát chặt chẽ quá trình điều tra, giải quyết vụ án của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận).

 

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (ảnh tư liệu).
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (ảnh tư liệu).

 

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ Công an vẫn đang điều tra, làm rõ vụ án của Huỳnh Văn Nén. “Họ đang làm tích cực đấy và tôi thấy là hiệu quả”- ông Bình nói.

Trả lời thắc mắc về việc VKSND Tối cao vẫn đang giám sát chặt chẽ quá trình điều tra, tìm ra hung thủ thực sự của vụ án này, ông Nguyễn Hòa Bình đáp: “Theo luật là như thế”.

Trước đó, vào tháng 11/2014, ông Lê Hữu Thể - Phó viện trưởng VKSND Tối cao đã ký văn bản kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt bị cáo Huỳnh Văn Nén (trú thôn 2, xã Tân Minh - nay là thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) tù chung thân về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản của công dân” và “Cố ý hủy hoại tài sản công dân”.

Trong kháng nghị, VKSND Tối cao đề nghị Tòa Hình sự TAND Tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy phần tội danh và hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” đối với Huỳnh Văn Nén; giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

VKSND Tối cao cho rằng đây là vụ án không quả tang; quá trình điều tra, xét xử về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” đã có nhiều thiếu sót, vi phạm. Cụ thể, trong việc thu thập vật chứng, khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thu giữ được số vật chứng như: sợi dây dù Nén khai dùng để siết cổ nạn nhân (bà Lê Thị Bông), ổ khóa nhà bà Bông và 1 chỉ vàng 24K của bà Bông. Các sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sợi dây Nén dùng để siết cổ bà Bông.

VKSND Tối cao nhận thấy các lời khai nhận tội ban đầu của Nén không phù hợp với hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai nhận tội sau mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của chị Phạm Thị Hồng (con bà Bông) và một số nhân chứng.

“Những tình tiết này cho thấy tòa án cấp sơ thẩm kết án Huỳnh Văn Nén tội “Giết người” và “Cướp tài sản” là chưa đủ căn cứ vững chắc” - văn bản của VKSND Tối cao khẳng định.

Ngoài ra, hồ sơ vụ án thể hiện VKSND tỉnh Bình Thuận đã thay thế Cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 27-7-2000 bằng Cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 16-8-2000 nhưng Bản án hình sự sơ thẩm số 96/HSST ngày 31-8-2000 của TAND tỉnh Bình Thuận lại căn cứ vào Cáo trạng số 84 ngày 27-7-2000 để xét xử. “Cáo trạng này không có trong hồ sơ nên việc xét xử như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” - VKSND Tối cao phân tích.

Văn bản kháng nghị của VKSND Tối cao còn cho biết đơn của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành (cải tạo tại trại giam Sông Cái, tỉnh Ninh Thuận, thời điểm diễn ra vụ án) tố giác Nguyễn Thọ mới là hung thủ giết bà Bông lẽ ra phải được coi là nguồn tin tố giác tội phạm nhưng chưa được điều tra.

Đến ngày 12/11/2014, Tòa Hình sự TAND Tối cao đã tuyên hủy án để điều tra lại theo thủ tục.

 

Ông Huỳnh Văn Nén (áo kẻ ca-rô) được tại ngoại chiều 22/10.
Ông Huỳnh Văn Nén (áo kẻ ca-rô) được tại ngoại chiều 22/10.

 

Chiều qua, 22/10, nhờ gia đình viết đơn bảo lãnh, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông Nén được tại ngoại để gia đình đưa đi chữa bệnh.

Theo hồ sơ vụ án, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh bị hung thủ đột nhập nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi một chiếc nhẫn vàng 24K. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Huỳnh Văn Nén để điều tra hành vi giết người, cướp tài sản.

Cuối tháng 8/2000, ông Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận phạt tù chung thân dù bị cáo này khai bị điều tra viên đánh đập, mớm cung, ép cung. Sau phiên tòa, cơ quan chức năng không thấy ông Nén kháng cáo (?!).

Thế Kha

Dòng sự kiện: Vụ án Huỳnh Văn Nén