1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điều tra viên “kỳ án vườn điều” và Huỳnh Văn Nén sẽ trở thành luật sư ?

(Dân trí) - Dư luận đang hết sức băn khoăn về trường hợp ông Cao Văn Hùng - nguyên điều tra viên trong vụ án “vườn điều” và Huỳnh Văn Nén nổi tiếng ở tỉnh Bình Thuận, vượt qua kỳ thi tập sự hành nghề luật sư.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa có văn bản số 20/HĐKT gửi tới đoàn luật sư các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thông báo về kết quả kiểm tra của người tập sự hành nghề luật sư đợt 2/2014. Theo đó, trong kỳ thi vừa qua, có 256 thí sinh đạt yêu cầu và 178 không đạt yêu cầu.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư các tỉnh thông báo kết quả kiểm tra cho từng người tập sự hành nghề luật sư, làm thủ tục đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho những người đạt yêu cầu; đồng thời chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn.

Trong số những trường hợp “đạt yêu cầu” của kỳ kiểm tra này có thí sinh xếp thứ tự 141 trong danh sách mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam công bố. Đó là ông Cao Văn Hùng, sinh ngày 15/2/1960 ở tỉnh Bình Thuận.

Điều tra viên “kỳ án vườn điều” và Huỳnh Văn Nén sẽ trở thành luật sư ?
Ông Cao Văn Hùng là điều tra viên trong vụ án Huỳnh Văn Nén - vụ án mà VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu điều tra lại (Ảnh: Người Lao Động). 

Ông Cao Văn Hùng nguyên là điều tra viên (Công an tỉnh Bình Thuận) trong “kỳ án vườn điều” xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nổi tiếng khắp cả nước suốt thời gian dài vì khiến nhiều người dân phải ngồi tù oan. ông Cao Văn Hùng cũng là điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án Huỳnh Văn Nén mà VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu điều tra lại vào cuối năm 2014 vừa qua.

Chính vì thế, khi biết thông tin ông Cao Văn Hùng sắp trở thành luật sư, không ít người đang hành nghề luật tỏ ra băn khoăn và thắc mắc bởi trước đó, vào ngày 12/11/2014, những người dân bị vướng vòng oan sai trong “kỳ án vườn điều” (đều cư trú tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) và bố mẹ của ông Huỳnh Văn Nén đã có liên tiếp 2 văn bản gửi lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận đề nghị xem xét lại tư cách, đạo đức của ông Cao Văn Hùng.

Đầu năm 2006, cơ quan chức năng đã tổ chức xin lỗi công khai, nhà nước đã bồi thường cho 9 người dân bị oan sai trong vụ án vườn điều gần 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên những người dân này cho rằng, đến tận bây giờ những hậu quả của “kỳ án vườn điều” đối với cuộc sống của họ vẫn hết sức nặng nề. Ngoài việc chị Nguyễn Thị Nhung đã chết vì bệnh trong thời gian bị tạm giam, nhiều người trong gia đình vẫn chưa có nhà ở, phải ở nhờ nhà người khác, đi làm thuê làm mướn, không có nghề nghiệp ổn định, con cháu thất học, thậm chí có trường hợp rơi vào tệ nạn xã hội.

Vì những vi phạm, sai sót gây ra, ông Cao Văn Hùng đã bị kỷ luật, buộc phải chuyển nghề.

“Thử hỏi với một con người vi phạm nghiêm trọng nhiều lần như vậy, rồi đây nếu vụ án Huỳnh Văn Nén được minh oan thì ông còn phải đối mặt với pháp luật, liệu ông Hùng xứng đáng thi sát hạch để đứng vào đội ngũ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận?”- văn bản của những người dân bị oan sai trong “kỳ án vườn điều” nêu rõ.

Bộ Tư pháp sẽ quyết định 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Phan Trung Hoài - Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam, cho biết việc vượt qua kỳ kiểm tra tập sự hành nghề luật sư mới chỉ là bước khởi đầu.

“Để trở thành luật sư phải trải qua ít nhất hai lần “sát hạch” nữa, trong đó Bộ Tư pháp sẽ quyết định việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư dựa trên việc thẩm tra hồ sơ, lý lịch”- ông Hoài nói.

Luật sư Phan Trung Hoài cho biết căn cứ để xem xét, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư được quy định cụ thể tại Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, Điều 10 Luật Luật sư quy định: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, khẳng định những người làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật, đã vi phạm kỷ luật tới mức phải ra khỏi ngành thì rất khó có thể được Bộ Tư pháp “gật đầu” cho phép hành nghề luật sư.

Theo ông Hậu, ở phía Nam trước đây đã có một luật sư vi phạm pháp luật hình sự và bị kết án vài năm tù giam. Sau khi ra tù và được xóa án tích, người này đã làm các thủ tục để được phép trở lại hành nghề luật sư. “Tôi còn nhớ khi đó Bộ Tư pháp đã có văn bản nói rằng đã vi phạm kỷ luật, có án hình sự thì sao còn đủ tư cách đạo đức để hành nghề luật sư nữa. Anh đã vi phạm kỷ luật, đặc biệt là liên quan tới hình sự thì sao còn có thể ra tòa để bào chữa cho chính những người đang có nguy cơ dính vào các vụ việc tương tự như thế nữa”- ông Hậu nói.

Sau khi VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén, trả lời phỏng vấn trên báo Pháp luật TPHCM ngày 4/11/2014, ông Cao Văn Hùng - người trực tiếp điều tra 14 năm trước, nói: “Người ta thấy có những dấu hiệu mà chưa rõ ràng lắm thì kháng nghị nhưng quá trình xác minh, điều tra có thể oan cũng có thể không oan. Đối với việc liên quan vụ án, tôi có trách nhiệm trình bày với ban chuyên án, với cơ quan điều tra”.

Thế Kha

Dòng sự kiện: Vụ án Huỳnh Văn Nén