1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

22 xã ở Vĩnh Phúc thuộc diện sắp xếp, sáp nhập

Thế Kha

(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, từ nay đến 2025 Vĩnh Phúc có 22 xã thuộc 7 huyện, thành phố thực hiện sắp xếp.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu các cấp, ngành, địa phương ở Vĩnh Phúc phải tổ chức quán triệt, thực hiện tốt nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND các cấp tiếp tục rà soát, xây dựng phương án tổ chức thực hiện tổng thể, bảo đảm tính khoa học, tính kế thừa và chuyển tiếp.

22 xã ở Vĩnh Phúc thuộc diện sắp xếp, sáp nhập - 1

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan (Ảnh: Thanh Nga).

Sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chí, phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện thực tiễn. Cùng với đó, phải cập nhật ngay vào quy hoạch vùng huyện, vùng tỉnh, các quy hoạch khác. Quan tâm việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau sắp xếp; tăng cường hướng dẫn các vấn đề về tài chính, tư pháp, hộ tịch…

Bà Lan yêu cầu Đoàn ĐBQH tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh Vĩnh Phúc có kế hoạch giám sát việc thực hiện Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2025.

Trước đó, ông Lê Duy Thành - Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký ban hành Nghị quyết số 19-NQ/BCSĐ thực hiện đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp tổ chức bộ máy, một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022 - 2025.

Nghị quyết nêu rõ, sắp xếp, giảm số lượng phòng chuyên môn thuộc sở, ngành; sắp xếp giảm số lượng đơn vị trực thuộc chi cục; giảm cơ cấu tổ chức bên trong chi cục theo hướng mỗi chi cục không quá 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Vĩnh Phúc định hướng sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với quy định; những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau đề xuất sáp nhập, hợp nhất.

Đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp đề xuất giải thể, chuyển giao nhiệm vụ cho đơn vị khác thực hiện hiệu quả cao hơn.

22 xã ở Vĩnh Phúc thuộc diện sắp xếp, sáp nhập - 2

Một góc thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Ảnh: Quế Chi).

"Hạn chế chia nhỏ, phân tán chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Đẩy mạnh xã hội hóa, tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; giảm số lượng đơn vị sự nghiệp hợp lý", nghị quyết của Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Thông qua sắp xếp, khối quản lý nhà nước toàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn trước đã giảm được 5 chi cục và 84 phòng chuyên môn.