Lộ trình 3 năm sáp nhập huyện, xã ở tỉnh Vĩnh Phúc

Thế Kha

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 ở địa phương này.

Kế hoạch nêu rõ, năm 2023 Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục, vận động tạo sự thống nhất và đồng thuận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính. 

Vĩnh Phúc sẽ xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết số 27/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211.

Lộ trình 3 năm sáp nhập huyện, xã ở tỉnh Vĩnh Phúc - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (Ảnh: Hiếu Phương).

Tỉnh này khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã đảm bảo tiêu chuẩn) để giảm số lượng, tăng quy mô của từng đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

Năm 2024, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ tại các đơn vị hành chính huyện, xã đã thực hiện sắp xếp.

Đồng thời, tập trung giải quyết chế độ, chính sách dôi dư với cán bộ; sắp xếp lại trụ sở, tài sản công; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi cấp huyện, xã.

Năm 2025, địa phương sẽ tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có những đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp.

Vĩnh Phúc cũng sẽ triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Lộ trình 3 năm sáp nhập huyện, xã ở tỉnh Vĩnh Phúc - 2

Một góc thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Ảnh: Quế Chi).

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng phương án tổng thể, hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh và trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, trong đó cần tính đến việc sắp xếp giai đoạn 2026-2030. Thực hiện tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân ở địa phương trong việc thực hiện sắp xếp huyện, xã.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm tổng hợp, cung cấp số liệu quy mô dân số của 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 136 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh (gồm dân số thường trú và dân số tạm trú) gửi Sở Nội vụ và UBND cấp huyện để làm căn cứ xây dựng phương án tổng thể và đề án của UBND tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc chưa công bố số liệu về các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sáp nhập. Nhưng trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, từ nay đến 2025 Vĩnh Phúc có khoảng 22 xã thuộc 7 huyện, thành phố thực hiện sắp xếp.

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Năm 1968, Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú; từ ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, ngày 1/8/2008, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về TP Hà Nội. 

Diện tích tự nhiên hiện nay của Vĩnh Phúc rộng 1.236km2. Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 136 xã, phường, thị trấn.