1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam

(Dân trí) - Sau hơn nửa tháng đột quỵ, dù được chăm sóc đặc biệt nhưng nhà văn Sơn Nam đã vĩnh viễn ra đi vào 13h ngày 13/8 tại Bệnh viện Gia Định, TPHCM. Dẫu biết “sinh lão bệnh tử” là lẽ đương nhiên, nhưng sự ra đi của ông khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê của tỉnh Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam luôn tự hào về mảnh đất quê hương mà mình đã gắn bó. "Tôi sống ở rừng U Minh từ bé đến lớn…" - là điều ông luôn giới thiệu về mình và câu nói ấy cũng toát lên nét khiêm tốn của một ông già Nam Bộ. Với một tuổi thơ được đắm mình giữa hương sắc của rừng U Minh với cây, hoa, chim, thú nên có lẽ những ngọn nguồn cảm hứng sáng tác của Sơn Nam đều bắt nguồn từ đó.

 

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là sự giải trí cho độc giả mà còn là những khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên nhà văn Sơn Nam là người am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc.

Không chỉ cống hiến trong văn chương, ông còn được xem là người có công khai phá, khảo cứu và sưu tầm văn hóa mảnh đất Nam Bộ. Vì vậy, không phải hiển nhiên mà người ta trân trọng gọi ông là "nhà Nam Bộ học" hay ông già Ba Tri… 

 

Sáng tác đầu tiên của Sơn Nam lại là tập thơ mang tựa đề Lúa reo (1948), tiếp sau đó là hai truyện ngắn Bên rừng Cù Lao DungTây đầu đỏ. Nhưng, cái tên Sơn Nam bắt đầu được người ta nhớ nhất qua Hương rừng Cà Mau (1962), tiếp sau đó là một loạt các tác phẩm: Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Vạch một chân trời (1968), Hai cõi U Minh, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa hòn… Tất cả những sáng tác ấy đến với độc giả một cách dễ dàng bởi ngôn từ bình dị, mộc mạc và thông qua đó người ta hiểu thêm về cách ứng xử của con người đồng bằng. 

 

Ngoài truyện ngắn, nhà văn Sơn Nam cũng rất thành công với nhiều công trình khảo cứu về lịch sử vùng đất Nam Bộ như: Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn minh miệt vườn, Bến Nghé xưa, Cá tính Miền Nam… Ông từng quan niệm: “Muốn viết văn tốt, cần phải khảo cứu. Miền Nam chưa có lịch sử, nên tôi phải khảo cứu về con người và vùng đất Nam bộ thì mới có thể viết về con người và vùng đất đó". Đó cũng chính là định hướng xuyên suốt cuộc đời sáng tác của "ông già Nam Bộ" này. Gần cuối đời, ông còn xuất bản thêm một số tác phẩm: Hồi ký Sơn Nam, Theo người tình và một mảnh tình riêng, Từ U Minh đến Cần Thơ, Xóm Bàu Láng…

 

Dù hiện nay, thế giới văn chương luôn phát triển với muôn màu muôn vẻ, thế nhưng những sáng tác của Sơn Nam vẫn còn đọng lại trong lòng độc giả yêu văn, người ta vẫn nhớ đến chân dung một Sơn Nam là một nhà văn Nam bộ với tính cách rất Nam Bộ. Sự ra đi của nhà văn, một người hiếm hoi hiểu biết nhiều về Nam Bộ, là một mất mát lớn cho nền văn học và văn hóa học của Miền Nam.

 

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11/12/1926, tại làng Đông Thái, tỉnh Kiên Giang. Ông đã tiếp nối truyền thống văn xuôi Nam bộ của lớp nhà văn đi trước, như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Trọng Quản…  

 

Không chỉ là một nhà văn, một nhà khảo cứu, nhà văn Sơn Nam còn là một kho tư liệu sống về con người, văn hóa, địa lý, lịch sử… của vùng đất phương Nam. Với những tác phẩm của mình, ông đã làm sống lại quá khứ miền Nam, không chỉ hiện nay mà cả hàng trăm năm về trước, từ chuyện khẩn hoang lập ấp, chuyện thời Đàng Cựu, đến lai lịch của từng vùng đất cụ thể: Sài Gòn, Gia Định, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long Hồ…; những chuyện tranh chấp thế lực từ thời Trịnh - Nguyễn, chuyện Tây Sơn vào Nam dẹp giặc Xiêm; chuyện đấu tranh thời thực dân giữa ta và tây; chuyện sinh cơ lập nghiệp của vài dòng họ; chuyện tranh chấp đặc quyền hơn thua giữa những gia đình, cá nhân; đan xen những chuyện xưa là những chuyện trong những năm gần đây, trước và sau những năm thống nhất đất nước....

 

Một số tác phẩm của ông đã được dựng thành phim, không chỉ được người xem trong nước biết đến mà còn được nhiều người nước ngoài quan tâm như: Mùa len trâu, Cây huê xà, Hương rừng Cà Mau…

 

Lê Bá Lư
TTXVN

 

Lê Phương