Việt Nam và Pháp thúc đẩy dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội
Việt Nam và Pháp đang phối hợp hoàn thành Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội-Vinh; triển khai Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội, sử dụng vốn vay của AFD.
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3-7/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Philippe Orliange đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo nội dung của thỏa thuận này, hai bên dự định hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa; công tác quy hoạch để tạo thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi, thích ứng với Biến đổi Khí hậu; triển khai, thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hình thức hợp tác được thực hiện thông qua các kênh chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và đào tạo; hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải tại các hội nghị và diễn đàn quốc tế trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên; huy động tư vấn và cung cấp dịch vụ tư vấn; nghiên cứu tài trợ, chuyển giao công nghệ không phát thải nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện và thiết bị giao thông vận tải liên quan trực tiếp đến các chủ đề trong Biên bản ghi nhớ mà phía Việt Nam có nhu cầu.
AFD sẽ huy động các đối tác tài chính khác nếu cần và kết hợp với Bộ Giao thông Vận tải để hỗ trợ các lĩnh vực hợp tác nêu trên.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ vui mừng về việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt Bản ghi nhớ tập trung vào các vấn đề chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon và ứng phó với Biến đổi Khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam hết sức quan tâm nhằm thực hiện các cam kết của mình tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP21) và COP 26 (phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050) trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng Việt Nam và Pháp đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và tới năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Trong suốt chặng đường hơn 50 năm qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác toàn diện và duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng.
Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Lĩnh vực giao thông vận tải cũng là một trong những ưu tiên mà Việt Nam và Pháp đã cùng thúc đẩy trong nhiều năm qua, trong đó có hợp tác hàng không, đường sắt, hàng hải và đường bộ.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đường sắt, hai nước cũng đã phối hợp hoàn thành một số dự án như Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội-Vinh do Tập đoàn Alstom và đối tác Việt Nam triển khai, dự án Cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai do Ngân hàng Phát triển châu Á và Pháp đồng tài trợ. Hiện nay, hai bên đang phối hợp triển khai Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội, sử dụng vốn vay của AFD.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảm ơn AFD đã cung cấp vốn vay cho các dự án phát triển hạ tầng đường sắt của Việt Nam và hy vọng dưới sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của cơ quan, Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội sẽ sớm được đưa vào vận hành chính thức đoạn trên cao theo như kế hoạch đề ra vào cuối năm 2024.
Liên quan đến Dự án cải tạo, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và AFD nghiên cứu cung cấp "Hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải tạo, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng" nhằm nâng cao năng lực khai thác, phương án chuyển đổi năng lượng và thích ứng với Biến đổi Khí hậu, đảm bảo phát huy hiệu quả của tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng hiện hữu, có xét đến tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được xây dựng mới trong tương lai.
Đại sứ quán Pháp cũng đã xác nhận sẵn sàng cùng với Tổng cục Kho bạc Pháp xem xét khả năng cung cấp hỗ trợ kĩ thuật để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết sẽ giao các đơn vị phụ trách của bộ làm việc với công ty tư vấn Pháp được AFD lựa chọn để trao đổi chi tiết về phạm vi và kế hoạch thực hiện dự án nghiên cứu trong thời gian tới và mong tiếp tục nhận được hỗ trợ của cá nhân ông Philippe Orliange, cũng như AFD với vai trò là nhà tài trợ song phương lớn nhất khu vực châu Âu của Việt Nam để thực hiện có hiệu quả các dự án hiện tại và tiếp tục trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các dự án đường sắt tại Việt Nam thời gian tới.
Về phần mình, ông Philippe Orliange đánh giá cao việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa AFD và Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, coi đó là một bước tiến mới góp phần củng cố thêm mối quan hệ năng động và tích cực giữa Pháp và Việt Nam nói chung và giữa hai cơ quan nói riêng. Ông cam kết sẵn sàng thúc đẩy để thỏa thuận nhanh chóng được triển khai và cụ thể là sẽ sớm làm việc với văn phòng AFD tại Hà Nội để nhanh chóng triển khai thỏa thuận.
Nhân dịp này đại diện của AFD cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đường sắt cao tốc, lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam đang đặc biệt quan tâm, mong muốn thực hiện trong thời gian tới.