Việt Nam đã chuyển giao 38 phạm nhân cho phía nước ngoài
(Dân trí) - 607 phạm nhân người nước ngoài đang chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ do Bộ Công an quản lý. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện chuyển giao 38 phạm nhân cho phía nước ngoài.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (giai đoạn 2008-2024) vừa được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp.
Tính đến hết tháng 9, thống kê của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) cho thấy có 607 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 28 quốc tịch khác nhau (gồm cả người không có quốc tịch) phạm tội và đang chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ do Bộ Công an quản lý.
Trong đó, theo báo cáo, số lượng các phạm nhân nam là chủ yếu (529 phạm nhân). Đa số phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế.
Về quốc tịch, báo cáo cho biết, phạm nhân mang quốc tịch Lào nhiều nhất, tiếp đến lần lượt là phạm nhân mang quốc tịch Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao), Nigeria, Campuchia, Australia, Hàn Quốc, Mỹ…
Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 97 hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù từ Việt Nam ra nước ngoài để tiếp tục chấp hành án phạt tù (thống kê đến tháng 9). Nhiều nhất là Australia với 31 yêu cầu, Lào 28 yêu cầu, Hàn Quốc 13 yêu cầu, Thái Lan 8 yêu cầu và Pháp 4 yêu cầu...
Trong số 97 yêu cầu, theo báo cáo của Bộ Công an, có 84 yêu cầu chuyển giao trên cơ sở quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước và 13 yêu cầu chuyển giao trên cơ sở áp dụng nguyên tắc "có đi có lại".
25 hồ sơ đã xử lý và đang chờ phía nước ngoài phản hồi. Từ chối xem xét 8 hồ sơ, 17 phạm nhân đã rút đơn xin chuyển giao.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện chuyển giao 38 phạm nhân cho phía nước ngoài, theo báo cáo. Lào (21 phạm nhân) và Australia (11 phạm nhân) là hai quốc gia tiếp nhận nhiều công dân đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam về nước để tiếp tục chấp hành án phạt tù.
"Số lượng người nước ngoài được chuyển giao cho nước ngoài nhiều hơn số lượng công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài được tiếp nhận về Việt Nam. Tuy nhiên, với số lượng 594 người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam mà mới chuyển giao được 38 phạm nhân là còn khiêm tốn", Bộ Công an đánh giá.
Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9, Bộ Công an đã nhận được 91 yêu cầu của phía nước ngoài về chuyển giao công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam tiếp tục chấp hành án phạt tù. Cụ thể, Nhật Bản có 66 yêu cầu, Australia 7 yêu cầu, Nga 5 yêu cầu, Anh 9 yêu cầu, Trung Quốc 3 yêu cầu và Hàn Quốc 1 yêu cầu.
"Trong đó có đối tượng liên quan đến tổ chức khủng bố quốc tế, có đối tượng là đối tượng truy nã của Việt Nam", báo cáo thông tin.
Trong số 91 yêu cầu trên, có 88 yêu cầu chuyển giao trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước và 3 yêu cầu chuyển giao trên cơ sở áp dụng nguyên tắc "có đi có lại".
Việt Nam đã tiếp nhận 5 phạm nhân từ nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục cho chấp hành án (4 phạm nhân từ Vương quốc Anh và một phạm nhân từ Liên bang Nga). Quá trình chuyển giao không áp dụng các biện pháp chuyển đổi hình phạt. Đến nay chưa phạm nhân nào được áp dụng các hình thức giảm án, tha tù trước thời hạn, theo báo cáo.
Bộ Công an phản ánh từ khi Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực đến nay Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định song phương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, công tác này trong thời gian qua còn một số hạn chế. Việc đàm phán, ký các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù còn bị động, phụ thuộc vào phía đối tác.
"Phần lớn các trường hợp yêu cầu chuyển giao, do phạm nhân có quốc tịch nước ngoài chưa thực hiện phần hình phạt bổ sung là phạt tiền, chưa bồi thường dân sự, chưa nộp án phí nên chưa đủ điều kiện để xem xét chuyển giao theo quy định tại Điều 50 của Luật Tương trợ tư pháp", Bộ Công an nêu thực tế.
Đề xuất tách thành 4 luật
Bộ Công an đề xuất nghiên cứu, sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 theo hướng tách thành 4 luật riêng biệt điều chỉnh từng lĩnh vực, phù hợp với tình hình hiện nay, gồm: Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
"Việc tách và xây dựng các luật riêng là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia", Bộ Công an lý giải.