1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Việt Nam chưa thoáng với "hai lúa" làm thiết xa như… Campuchia

(Dân trí) - “Phía Campuchia có thể tin tưởng giao cho một người nước ngoài khoản tiền ngân sách rất lớn để sửa chữa, cải tiến xe bọc thép trong khi Việt Nam chưa có quy định nào cho phép làm việc đó một cách thông thoáng như vậy” – Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân trao đổi.

Hơn 1 tuần qua, dư luận trong nước một lần nữa được khuấy động với thông tin 2 cha con người nông dân từng chế tạo máy bay ở Tân Châu, Tây Ninh là ông Trần Quốc Hải, Trần Quốc Thanh cùng đón nhận huân chương “Đại tướng quân” do nhà nước Campuchia trao tặng vì thành tích sửa chữa, nâng cấp và chế tạo xe bọc thép. Tại sao những người khoa học nông dân như vậy lại chỉ được tin tưởng, được tôn vinh khi hoạt động trên đất khách, thưa Bộ trưởng?

Sức sáng tạo của mọi người, kể cả những nhà khoa học có bằng cấp hay người nông dân bình thường đều đáng trân trọng như nhau. Vấn đề ở chỗ sự sáng tạo ấy có thị trường hay không, nơi nào tạo ra được thị trường có sự đặt hàng thì những sáng tạo ấy có khả năng được ứng dụng trong xã hội.

Trong lĩnh vực quốc phòng, việc sửa chữa các thiết bị, máy móc cũng là công việc rất quan trọng. Tôi cảm nhận, ở Việt Nam, các hệ thống nhà máy công nghiệp quốc phòng đã làm tốt việc này nên chúng ta chưa có nhu cầu đặt hàng những người dân khác ngoài hệ thống quốc phòng tham gia vào việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các máy móc quốc phòng.
Việt Nam chưa thoáng với nhà khoa học nông dân như… Camphuchia

Ngoài ra, cơ chế chính sách của chúng ta trong lĩnh vực này hiện cũng có những bất cập. Cho đến nay, trong các văn bản pháp luật của ta chưa có điều khoản nào cho phép các cơ quan nhà nước có thể dùng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Nếu cơ chế của chúng ta cho phép cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể hỗ trợ với mức như Chính phủ Campuchia đã làm thì khi đó người dân  chắc chắn có thể sáng tạo trên quê hương của mình.

“Tôi chờ đợi được Quốc hội chất vấn”

“Nếu được chọn trả lời chất vấn, tôi sẽ rất lo nhưng cũng mừng vì tôi có cơ hội để giãi bày với Quốc hội và cử tri cả nước những bất cập cũng như những trăn trở trong ngành. Những người đổ mồ hôi, dồn trí tuệ trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học chúng tôi làm được rất nhiều việc cho đất nước nhưng luôn luôn bị mang tiếng là “mấy chục ngàn tiến sỹ không bằng mấy bác nông dân”. Tôi không muốn xã hội hiểu thiên lệch như vậy bởi vì khoa học của ta có rất nhiều đóng góp cho đất nước và xã hội chứ không phải họ toàn là những tiến sỹ giấy hay những người vô dụng…

Vậy nên mặc dù cũng rất e ngại việc bị chất vấn nhưng tôi cho đó là cơ hội rất tốt cho những người làm chính sách, tôi sẽ là người nói giúp tiếng nói của những người làm khoa học để cử tri cả nước có thể hiểu và chia sẻ với chúng tôi”.

Cha con ông Hải cũng từng chế tạo 2 chiếc máy bay trực thăng, nhưng không được thử nghiệm. Khi được lãnh đạo nước bạn phong danh “Đại tướng quân”, cha con ông Hải có thốt lên: “Những sáng tạo, phát kiến của tôi không được khuyến khích trên quê hương mình”. Đây có thể xem là một câu hỏi chứa đựng rất nhiều day dứt với chúng ta?

Tôi nghĩ là không phải những sáng tạo của người dân không được khuyến khích. Chính phủ ta cũng đánh giá rất cao những ý tưởng sáng tạo như vậy. Tuy nhiên, như đã nói, ở Việt Nam thì việc sửa chữa xe pháo đã có một hệ thống công nghiệp quốc phòng đảm đương rất tốt rồi. Chắc chúng ta cũng thấy chưa có nhu cầu huy động người dân cải tiến, nâng cấp hệ thống thiết bị quốc phòng nên ngay những hệ thống khoa học của nhà nước ngoài ngành quốc phòng cũng chưa nhận được đặt hàng đó chứ đừng nói đến người dân. Trong khi đó phía Campuchia lại có nhu cầu.

Một điều khác cần nói, cơ chế của họ rất thoáng. Họ có thể tin tưởng giao cho một người nước ngoài khoản tiền ngân sách rất lớn để sửa chữa, cải tiến xe bọc thép trong khi chúng ta chưa có quy định nào cho phép có thể làm việc đó một cách thông thoáng như vậy.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh chính sách, như luật KH-CN năm 2013 là một bước tiến mới, luật đưa ra cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ. Nếu những quy định này tiếp tục thể chế hóa đầy đủ thì tôi tin những nhà khoa học cũng như người dân của chúng ta có thể thực hiện tốt những sáng tạo, ý tưởng khoa học của mình so với trước đây.

Bộ trưởng có thể nói cụ thể hơn về những điểm mới trong cơ chế chính sách tới đây để ngành khoa học công nghệ trọng dụng, khuyến khích được những ý tưởng, sáng tạo trong dân khi thực tế, dù cả nước không thiếu các trường đại học, viện nghiên cứu, đội ngũ tiến sỹ, giáo sư đông đảo nhưng mỗi khi có những sáng tạo thực sự gắn với đời sống lao động sản xuất thực tế lại đều đến từ những người nông dân chứ không phải đội ngũ khoa học?

Việc này thì cũng phải nhìn nhận một cách bao quát, công bằng là rất nhiều sáng tạo, nghiên cứu khoa học của ta đã được ứng dụng thành công nhưng ta lại không mấy khi để ý đến. Các nhà khoa học của ta đã làm được rất nhiều sản phẩm có giá trị cho cuộc sống như vắc xin. Việt Nam là 1 trong 4 nước trên thế giới làm được vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Chúng ta cũng làm được các loại vắc xin tiêm chủng mở rộng phòng bệnh cho trẻ em. Không phải nước nào cũng làm được điều đó. Hoặc chúng ta hiện đã làm chủ được công nghệ chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước và 120 m nước đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực tế đã hạ thủy thành công, trở thành 1 trong 3 quốc gia ở Châu Á làm được điều đó…

Còn rất nhiều sản phẩm khác do giới khoa học chúng tôi làm ra đang được sử dụng nhưng dường như xã hội chưa chú ý nhưng những thành công của người dân, có thể là chưa có bằng cấp, được đề cập nhiều hơn. Chúng tôi cho rằng đó là việc đương nhiên và chúng ta cần khuyến khích. Không phải Bộ KH-CN không quan tâm đến khu vực này mà vấn đề là cơ chế chính sách của chúng ta chưa phù hợp để có thể hỗ trợ được tối đa với người dân.

Tôi cũng nghĩ những người nông dân không bằng cấp nhưng làm thế thực sự họ là những nhà khoa học, không bằng cấp nhưng họ đam mê, họ nghiên cứu rất nhiều, họ đọc sách rất nhiều, thậm chí hơn cả một số người có bằng cấp. Cho nên nếu nói những người đó không phải là nhà khoa học thì không đúng, chúng tôi gọi họ là những nhà khoa học không bằng cấp và cũng trân trọng họ không khác những nhà khoa học có bằng cấp, khi những sáng tạo, sản phẩm của họ có ý nghĩa với xã hội.

Bộ trưởng nói đến vướng mắc cơ chế khiến nhà nước khó hỗ trợ người dân phát huy sáng tạo, sáng kiến khoa học kỹ thuật nhưng thực tế, chiến lược phát triển khoa học công nghệ luôn được chú trọng. Mỗi năm nhà nước đều dành 2% ngân sách cho lĩnh vực này mà thậm chí nhiều ý kiến từng phân tích, tiền tiêu không hết, kết dư lớn. Vậy cớ gì tiền không được rót cho những nghiên cứu, sáng tạo thiết thực như vậy của những nhà khoa học không bằng cấp?

Chuyện này cũng do luật thôi. Theo quy định, ngân sách nhà nước phải chi theo dự toán ngân sách, trong đó phần có thể giao cho các nhà khoa học hoặc người dân để có thể sử dụng vào hoạt động nghiên cứu sáng tạo của mình thì phải xây dựng kế hoạch từ trước, 31/7 hàng năm là phải xong kế hoạch của năm tiếp theo. Đề án không có trong dự toán thì không chi được mà những sáng kiến của người dân thì thường nảy sinh rất đột xuất nên khi xảy ra tình huống thì không biết lấy nguồn nào để lo.

Mới đây chúng tôi đã trình Quốc hội sửa lại luật KH-CN và rất mong được ủng hộ về “cơ chế quỹ”, tức hàng năm chúng tôi dự toán ngân sách giao thẳng cho Quỹ phát triển KH-CN của nhà nước và nếu được Quốc hội phê chuẩn hàng năm thì Chính phủ sẽ giao kinh phí cho các quỹ về khoa học công nghệ để khi có nhiệm vụ hay đề tài… phát sinh bất cứ lúc nào thì cũng có kinh phí để có thể triển khai kịp thời.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo