Việt Nam chịu dư chấn động đất mạnh cấp 5-6
(Dân trí) - Trận động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra tại biên giới Myanmar - Lào - Thái Lan khiến miền Bắc Việt Nam chịu chấn động cấp 5-6 vào tối qua. Nguy cơ động đất mạnh tại Việt Nam tiếp tục được cảnh báo.
TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trận động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra lúc 20h55 ngày 24/3 tại khu vực biên giới Myanmar - Lào - Thái Lan đã gây chấn động cấp 5 tại Hà Nội. Một số nơi thuộc khu vực Tây Bắc nước ta cũng bị chấn động cấp 6.
Theo ông Minh, với động đất có cường độ trên 7 độ Richter, Thái Lan sẽ phải chịu thiệt hại khá nặng nề. Hiện Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Về nguy cơ động đất có thể xảy ra tại Việt Nam ông Minh cho biết, nước ta nằm ở phần Đông Nam của mảng Âu Á, giữa mảng Ấn Độ, mảng Philippines và mảng châu Úc, là khu vực ít bị tổn thương bởi động đất so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia. Nhưng trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam tồn tại hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp như: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy Sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy Sông Hồng, đới đứt gãy Sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 109-110o… nên khả năng động đất mạnh đã được cảnh báo.
Các nghiên cứu khoa học đã ghi nhận, từ đầu thế kỷ 20 đến nay ở khu vực phía Bắc nước ra đã xảy ra 2 trận động đất cấp 8-9, tương đương 6,7-6,8 độ Richter, hàng chục trận động đất cấp 7, tương đương 5,1-5,5 độ Richter và hàng trăm trận động đất yếu hơn.
Điển hình trận động đất xảy ra tại Điện Biên năm 1935, với cường độ 6,7 độ Richter, xảy ra trên đới đứt gãy Sông Mã; trận động đất tại Tuần Giáo năm 1983, có cường độ 6,8 độ Richter, xảy ra trên đứt gãy Sơn La, gây nên sụt lở, nứt đất trên diện rộng, sụt lở lớn trong núi, gây hư hại nhà cửa trong phạm vi bán kính đến 35 km…
Các trận động đất nhỏ xảy ra từ sau trận động đất Điện Biên đều không gây thiệt hại về người và của, tuy nhiên cũng cho thấy vỏ Trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn. Theo ông Minh, cần có thêm những theo dõi và nghiên cứu để đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động địa chấn ở Việt Nam.
P. Thanh