1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bệnh viện Bình Dân, TPHCM:

Viện phí sẽ tăng nhiều lần sau khi CPH?

(Dân trí) - Sức nóng của việc cổ phần hóa (CPH) bệnh viện Bình Dân đang "lan tỏa" không chỉ trong giới đầu tư mà ngay cả trong các cấp, các ngành của TPHCM. Sáng qua 13/4, Ủy ban MTTQ TPHCM đã có buổi gặp gỡ lấy ý kiến của các đoàn thể về việc có nên hay không thực hiện CPH bệnh viện Bình Dân vào thời điểm này.

Hầu hết các ý kiến nêu ra tại hội nghị đều tỏ ý không đồng tình với chủ trương của Chính phủ về việc cho phép CPH bệnh viện Bình Dân. Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cho rằng Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước toàn dân trong 3 lĩnh vực Giáo Dục, Y tế và Thể thao.

Việc CPH sẽ xảy ra những xung đột lợi ích khác nhau. Ông Đằng nêu vấn đề viện phí sẽ gia tăng đáng kể sau khi bệnh viện này tiến hành cổ phần hoá và như thế, người dân nghèo sẽ chịu thiệt trăm đường. Ngoài ra, các ý kiến còn lo ngại rằng liệu với việc định giá quá thấp đối với một bệnh viện đã có truyền thống lâu năm như Bình Dân thì có xảy ra tình trạng thất thoát tiền của nhân dân rơi vào tay một nhóm người nào đó hay không?

Theo thông tin mới nhất từ Ban giám đốc Sở Y tế và Bệnh viện Bình Dân, toàn bộ tài sản (trừ đất đai) của BV Bình Dân được định giá khoảng 90 tỷ đồng, chiếm 60% vốn Nhà nước. Nếu theo phương án CPH đang còn dự thảo thì Bình Dân sẽ để dành 40% còn lại để bán ra cho cán bộ nhân viên trong bệnh viện và nhà đầu tư bên ngoài, nắm giữ 20%. Theo đó, Bình Dân sẽ cần huy động thêm 60 tỷ đồng để tái đầu tư.

Ông Hồ Minh Trí, đại diện Hội cựu chiến binh TP cho rằng nên thận trọng trong việc tiến hành CPH một bệnh viện công. Ông lo ngại rằng nếu tiến hành CPH nhanh quá thì người dân nghèo sẽ không được hưởng những phúc lợi do chính việc CPH mang lại.

Nhiều ý kiến khác cũng không đồng thuận với chủ trương CPH bệnh viện, vì cho rằng nguồn nhân lực trong ngành y tế là do nhà nước đào tạo, vì thế việc tận dụng lực lượng này để kinh doanh vì mục đích lợi nhuận là không thể chấp nhận được. Mọi vấn đề chỉ quy về quản lý. Nếu quản lý kém sẽ thay đổi ban giám đốc để quản lý tốt hơn và cũng để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Bà Thủy Tiên, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP cho rằng nên học tập mô hình bệnh viện công, trường học công của Cuba để phục vụ nhân dân tốt hơn thay vì để 2 lĩnh vực quan trọng này lọt vào tay tư nhân thao túng.

Ông Võ Văn Khôn, chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức thành phố gợi ý rằng, nên thực hiện xã hội hoá bằng cách vận động các tổ chức, hiệp hội, các tập đoàn lớn đầu tư vào một bệnh viện thay vì phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán để buôn bán.

“Đừng xem bệnh viện Bình Dân là một thương hiệu mà nó là một danh hiệu do nhân dân tin tưởng tìm đến với nó” - một bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện Bình Dân đã tâm sự như vậy. Vị này cho rằng, nếu CPH bệnh viện Bình Dân sẽ không còn bình dân như trước nữa mà thay vào đó, viện phí sẽ được đẩy lên gấp nhiều lần vì áp lực bỏ vốn đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận của ban điều hành trước nhà đầu tư.

Hơn nữa, theo vị bác sĩ này, cũng có những bệnh viện đang làm ăn èo uột cần được thí điểm CPH để phát triển tốt hơn như bệnh viện 115, bệnh viện Nguyễn Tri Phương… chứ không nên chọn một bệnh viện lớn của khu vực, có sẵn các điều kiện phát triển để CPH như là bệnh viện Bình Dân.

Tuy nhiên, Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở y tế TPHCM lại cho rằng chủ trương này xuất phát từ những bức xúc của việc xã hội hoá trong lĩnh vực y tế. Ông Dũng cho rằng, ngành y tế thành phố hiện đang rất thiếu kinh phí để tái đầu tư, trong khi nhà nước không thể bao cấp mãi được nữa.

Dù cho phương án CPH bệnh viện Bình Dân chưa được thông qua, thế nhưng trong thời gian qua, ngoài thị trường đang râm ran những thông tin sốt giá cổ phiếu OTC của bệnh viện Bình Dân, đến nay tăng lên hơn 10 “chấm”, đã khiến giới đầu tư cổ phiếu đang ráo riết săn lùng cổ phiếu của doanh nghiệp “đặc biệt” này.

Ông Dũng thống kê, ngành y tế hiện đang quản lý 29 bệnh viện cấp thành phố và một bệnh viện Nhân Ái vừa mới thành lập, 07 Trung tâm y tế dự phòng, 24 Trung tâm y tế dự phòng quận huyện và 24 bệnh viện quận huyện với công suất 42 triệu giường bệnh mỗi năm. Trong khi đó, kinh phí rót xuống để chi cho các hoạt động xã hội rất hạn hẹp.

Vì thế, việc thí điểm CPH bệnh viện Bình Dân sẽ giảm cho nhà nước khoản chi ngân sách cho 500 giường bệnh của bệnh viện này (chiếm khoảng 10% tổng đầu tư của bệnh viện trong một năm), thay vào đó, khoản chi ngân sách này sẽ chuyển hướng đầu tư cho các trung tâm y tế dự phòng để phát triển y tế cơ sở. Tuy vậy, ý kiến trên vẫn chưa được các ban ngành đồng tình.

Trao đổi với PV, Bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc bệnh viện Bình Dân cho rằng sau khi CPH cán bộ nhân viên bệnh viện sẽ có điều kiện tăng thêm thu nhập, cơ sở vật chất thì được đầu tư bài bản, hiện đại hơn.

Bác sĩ Hùng cam kết, sẽ không tăng viện phí đối với dân nghèo mà thay vào đó là bệnh viện Bình Dân sẽ gia tăng khai thác tần số công suất giường bệnh lên gấp đôi bằng cách rút ngắn thời gian điều trị của bệnh nhân tại đây để bù vào khoản gia tăng viện phí.

Tuy nhiên, theo Bác sĩ Hùng thì mọi việc vẫn còn đang ở phía trước. Mọi thông tin râm ran trên thị trường chứng khoán hiện nay đều chưa có đủ cơ sở xác thực vì phương án CPH bệnh viện Bình Dân vẫn chưa được thông qua.

N.Lê

Dòng sự kiện: CPH Bệnh Viện Bình Dân