"Việc quản lý tiền công đức có tính nhạy cảm, phức tạp"
(Dân trí) - Tình trạng quản lý tiền công đức chưa đảm bảo công khai, minh bạch, dẫn đến hiện tượng kiện cáo, đơn thư gửi vượt cấp. Việc quản lý tiền công đức có tính nhạy cảm, phức tạp.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2001 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi tới Bộ Tư pháp, các bộ ngành, địa phương đã ban hành tổng cộng khoảng 300 văn bản nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hầu hết UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn.
Trên cả nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng 3.591 di tích quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 123 di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật di sản văn hóa. UNESCO ghi danh 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) mở rộng sang Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương), Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang (Bắc Kạn, Tuyên Quang), di tích văn hóa Óc Eo (An Giang).
Quản lý tiền công đức chưa đảm bảo công khai, minh bạch
Đáng chú ý, tờ trình cho biết việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại di tích đã có những bước tiến rõ rệt hơn. Theo thống kê những năm gần đây số vụ mất cắp cổ vật tại di tích đã giảm hẳn cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Hầu hết các vụ vi phạm đều được các cơ quan điều tra giải quyết kịp thời; nhiều vụ việc được xử lý, trả lại cổ vật bị mất cắp cho di tích.
"Hầu như không còn tình trạng thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ không có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trường hợp khai quật thông thường), của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (trường hợp khai quật khẩn cấp). Việc tự ý tìm kiếm, đào bới làm sai lệch hoặc gây nguy cơ xâm hại, hủy hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ đã giảm hẳn", tờ trình cho hay.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với các Cục, Vụ chức năng và các nhà khoa học, tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương, xác minh thông tin qua đơn thư, các nguồn thông tin được dư luận xã hội phản ánh.
Qua thanh tra phát hiện tình trạng xâm phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và giải tỏa trong khu vực di tích - chủ yếu là việc xây dựng thêm các công trình phụ trợ trong khu vực bảo vệ di tích, cơi nới mở rộng di tích hoặc hạ giải một phần di tích để xây dựng mới.
Sai phạm trong việc phát huy giá trị di tích, một số hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra tại cơ sở tôn giáo, gây bức xúc trong dư luận.
"Tại các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện tình trạng quản lý tiền công đức chưa đảm bảo công khai, minh bạch, dẫn đến hiện tượng kiện cáo, đơn thư gửi vượt cấp. Có thể nói, việc quản lý tiền công đức tại di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có tính nhạy cảm, phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan...)", tờ trình thông tin.
Vì vậy, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản pháp luật về tài chính và tôn giáo tín ngưỡng quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng trong việc tu bổ di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, sự thiếu hiểu biết của chính quyền và nhân dân ở các địa phương, của những người trụ trì đền, chùa và đơn vị thi công, muốn di tích được "xứng tầm", hoặc vì chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích. Một số di tích được đầu tư bằng các nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn công đức, xã hội hóa được thực hiện theo quy trình, thủ tục triển khai còn chưa đảm bảo.
"So với những năm trước đây, vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích đã giảm hẳn, những vi phạm tuy vẫn còn nhưng đã được xử lý một cách kiên quyết. Kỳ họp lần thứ 42 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn tất tháo dỡ hoàn toàn công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ", tờ trình nêu.
Thách thức lớn nhất: Giới trẻ chưa cảm nhận hết giá trị của di sản
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, đó là giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng của các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành hay thậm chí chỉ để thưởng thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa do cha ông sáng tạo và trao truyền lại.
Vì thế, thế hệ các nghệ nhân cao tuổi ngày một già yếu và mất đi mà chưa tìm được lớp người kế cận, chưa kịp truyền thụ cho các học trò, đặc biệt là trao truyền các "ngón nghề", bí quyết trong việc ứng tác (Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Dân ca Quan họ, Bài Chòi...), điều chỉnh nhạc cụ (Cồng chiêng Tây Nguyên).
Trong khi đó, chính quyền nhiều nơi lại chưa thực sự tạo điều kiện về không gian và cơ sở vật chất cho các nghệ nhân truyền dạy cũng như chưa có các hình thức khuyến khích thế hệ trẻ theo học. Do điều kiện của từng địa phương còn hạn chế nên chưa có chính sách đãi ngộ mức độ cao đối với nghệ nhân để nghệ nhân thực sự yên tâm thực hành nghề.
Việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu, cụ thể là danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian,... Các danh hiệu này bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng và các chính sách cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu. Không những thế, các chính sách hỗ trợ đi kèm theo đó lại đang được thực hiện theo "công thức" áp dụng cho "hộ nghèo".
"Tới nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai công tác phổ biến, quán triệt nội dung văn bản và tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng đời sống kinh tế theo hướng dẫn của Nghị định 109/2015 nhưng đa số các Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân không thuộc diện được hỗ trợ do không đạt được các tiêu chuẩn để được nhận hỗ trợ như quy định của nghị định này", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu thực tế.