1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vì sao Tòa án Nhân dân tỉnh Long An không xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Long An đã chuyển cáo trạng vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai về Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Đức Hòa để xét xử.

Vì sao Tòa án Nhân dân tỉnh Long An không xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai? - 1

Một số bị can ở Tịnh thất Bồng Lai (Ảnh: A.X.).

Ngày 13/6, lãnh đạo TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) cho biết đã tiếp nhận cáo trạng cùng toàn bộ hồ sơ vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai.

Cáo trạng được Viện KSND tỉnh Long An chuyển về TAND huyện Đức Hòa vào ngày 10/6. Hiện TAND huyện đang phân công thẩm phán nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra xét xử. 

Theo đó, 6 bị can bị truy tố gồm: Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi), cùng ngụ tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa (nơi được gọi là Tịnh thất Bồng Lai).

Dư luận thắc mắc vì sao TAND tỉnh Long An không xét xử vụ án?

Trao đổi với phóng viên, đại diện Viện KSND tỉnh Long An cho hay, cơ quan này đã thực hiện quyền kiểm sát điều tra từ khi vụ án được chuyển cấp huyện lên cấp tỉnh. Theo Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Viện KSND tỉnh Long An có thẩm quyền truy tố. Tuy vậy, thẩm quyền truy tố của Viện KSND được xác định theo thẩm quyền xét xử của cấp tòa án đối với vụ án (TAND hiện có 4 cấp).

Trong vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai, các bị can bị truy tố ở khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù là thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện (được xét xử vụ án có khung hình phạt lên đến 10 năm tù). Do đó Viện KSND tỉnh Long An truy tố các bị can ra TAND huyện Đức Hòa là đúng quy định pháp luật.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2019 đến 2021, Lê Tùng Vân, Cao Thị Cúc, Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Hoàn Nguyên và Trùng Dương đã đăng các clip lên mạng xã hội có nội dung xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự Công an huyện Đức Hòa cùng một số tổ chức, cá nhân khác...

Diễn biến vụ việc

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa (Long An) ra quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

Ngày 4/1, nhận tin báo về việc nhóm người nhận tiền từ thiện, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra bắt quả tang và tổ chức khám xét tại nhà bà Cao Thị Cúc (chủ Tịnh thất Bồng Lai); đồng thời làm việc một số người để làm rõ hành vi sai phạm. 

Ngày 5/1, cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với 4 người ở Tịnh thất Bồng Lai, gồm: Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương để điều tra tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tháng 2 vừa qua, Viện KSND huyện Đức Hòa có quyết định chuyển vụ án tại Tịnh Thất Bồng Lai đến Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Long An tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Ngày 12/5, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An khởi tố bị can đối với bà Cao Thị Cúc để điều tra cùng tội danh với nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai.

Ngày 27/5, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam bị can Lê Thanh Nhị Nguyên để điều tra cùng tội danh với nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm