Vì sao thanh tra luôn đi sau dư luận?
Bên hành lang Quốc hội, chúng tôi đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Mai Quốc Bình, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, về sự "chậm trễ" của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện các sai phạm lớn.
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao Thanh tra luôn luôn đi sau dư luận?
Đương nhiên cũng phải có vấn đề nổ ra rồi, Chính phủ mới tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cho nên chỉ đạo của Chính phủ là cần thiết và kịp thời. Thanh tra muốn làm thì phải có lệnh, chỉ đạo từ phía Chính phủ chứ Thanh tra đâu tự sáng tác ra làm được!
Nhưng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, sao Thanh tra lại không chủ động đề xuất?
Trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch của Chính phủ, các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính cũng đã có ý kiến rồi. Ngay cả chuyện quản lý vốn ODA thì Chính phủ cũng đã phân công, đã giao trách nhiệm rồi nhưng mà các ông ấy làm không tròn.
Còn Thanh tra là cơ quan thực thi công việc này sau khi có lệnh của Chính phủ. Các bộ chức năng phải theo sát, nhưng vẫn còn thiếu sót, không chặt chẽ, qua đó thấy guồng máy quản lý bị lỏng lẻo. Còn nguyên nhân vì sao thì sau này đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm.
Trước khi vụ PMU18 xảy ra, Thanh tra có đề xuất gì với Chính phủ về các dự án có vốn ODA?
Hằng năm, Thanh tra Chính phủ có xây dựng kế hoạch làm việc được Chính phủ duyệt, những cái mà Chính phủ giao thì ưu tiên thực hiện. Trước đây cũng đã thanh tra dự án đường Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi nổ ra vụ PMU18 thì vấn đề lại khác rồi.
Ông có nhận xét gì về các bản kết luận của thanh tra thường “đầu voi, đuôi chuột”. Dự thảo thì có sai phạm rất nghiêm trọng nhưng cuối cùng kết luận thì “bé tẹo” ?
Nói chung thì thế, chứ đi vào cụ thể thì sự kiện nào? Nếu có sự châm chước, gia giảm tình tiết thì đó là cái sai của cơ quan thanh tra. Nếu vi phạm pháp luật thì phải khởi tố.
Nhưng chỉ khi công an vào cuộc thì mới xác định được sai phạm của cán bộ thanh tra. Còn bản thân cơ quan thanh tra phải có biện pháp gì để sàng lọc cán bộ của mình?
Thanh tra đã xây dựng và trình Chính phủ về lề lối, quy chế điều hành các đoàn thanh tra. Có nhiều cách để giám sát chặt chẽ hoạt động của đoàn thanh tra, ví dụ như đề cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức hệ thống giám sát.
Có nghĩa là song song với một đoàn thanh tra thì có một đoàn khác giám sát?
Không phải làm theo kiểu đó mà qua các kênh ý kiến của các đơn vị bị thanh tra, qua báo chí và qua bản thân anh em trong đoàn thanh tra, rồi thẩm định lại. Trưởng đoàn thanh tra và người ký văn bản kiến nghị Chính phủ nếu có sai sót đều bị xử lý.
Theo Xuân Toàn
Thanh Niên