Vì sao Sơn La, Hòa Bình hứng mưa đá khốc liệt?
(Dân trí) - Nhiều nơi ở miền Bắc trải qua tháng 4 với nền nhiệt cao hơn 2-4 độ C so với cùng kỳ, trong khi sóng lạnh vẫn xuất hiện. Sự xung đột giữa hai khối khí này là nguyên nhân gây ra mưa đá ở nhiều nơi.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết chiều 25/4 khi trả lời báo chí về hiện tượng mưa đá khốc liệt xuất hiện tại Sơn La và Hòa Bình một ngày trước.
Mưa đá khốc liệt hơn so với trung bình nhiều năm
Theo ông Hưởng, thống kê trong 20 ngày của tháng 4, nền nhiệt tại Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến cao hơn cùng kỳ nhiều năm 2-3 độ C, có nơi cao hơn 4 độ C. Tuy nhiên trong những ngày qua, một sóng lạnh yếu di chuyển từ phía bắc xuống, tương tác với nền nhiệt cao.
Sự xung đột giữa hai khối không khí này gây ra hiện tượng mưa đá, lốc, sét và gió giật mạnh ở hầu khắp khu vực miền Bắc.
"Trong đó, trận mưa đá xảy ra chiều tối và đêm 24/4 ở huyện Vân Hồ (Sơn La) và khu vực Hòa Bình là một trong những hiện tượng khốc liệt hơn hẳn so với trung bình nhiều năm", ông Hưởng nhận định.
Lý giải cụ thể trường hợp mưa đá ngày 24/4, chuyên gia cho biết khu vực giữa Hòa Bình và Sơn La chịu ảnh hưởng của một tổ hợp bao gồm: rìa phía nam của một khối không khí lạnh yếu, kết hợp với vùng hội tụ gió trên độ cao 1.500m được tạo ra bởi khối không khí biển lấn từ phía đông, cộng thêm gió tây nam di chuyển từ vùng Thượng Lào sang hội tụ ở khu vực dọc kinh tuyến 105.
"Tất cả yếu tố trên khiến chiều tối và đêm qua (24/4), khu vực Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rào và dông mạnh", ông Hưởng lý giải.
Theo số liệu vệ tinh ước tính, nhiệt độ đỉnh mây đối lưu thời điểm dông ở mức -81,2 độ C. Ông Hưởng nhận định đây là dấu hiệu cho thấy tháp mây đối lưu phát triển rất dữ dội. Độ cao khối mây có thể trên 10km.
Sự bột phát của những tháp mây như vậy thường xuất hiện vào giai đoạn giao mùa và gây ra dông lốc mạnh hoặc mưa đá. Trong khi đó, vùng mây chiều qua phát triển mạnh, dịch chuyển chậm nên gây ra mưa đá tập trung ở vùng giáp Sơn La, Hòa Bình.
Hiện tượng cực đoan nguy cơ xuất hiện nhiều với mức độ mạnh
Theo chuyên gia, hiện tượng dông, lốc, mưa đá khó dự báo xa nhưng có thể cảnh báo qua thiết bị theo dõi như radar, mây vệ tinh. Từ đó, cơ quan khí tượng có thể cảnh báo tới người dân trước khoảng 30-60 phút.
Thời gian tới, các hiện tượng trên còn tiếp diễn do miền Bắc vẫn đang giai đoạn giao mùa, trong khi Tây Nguyên và Nam Bộ có thể chuyển sang mùa mưa vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Các hiện tượng cực đoan trong thời gian tới nguy cơ xuất hiện nhiều và mức độ mạnh hơn so với trung bình.
Cùng ngày, trong bản tin dự báo chuyên đề về nguồn nước, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mực nước các sông ở khu vực Bắc Bộ biến đổi chậm và ở mức thấp.
Đặc biệt, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại, trên sông Thao tại Phú Thọ đã xuống mức thấp nhất lịch sử. Nguồn nước trên các sông, hồ chứa ở Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt 30-60% so với trung bình, riêng sông Thao và sông Lô thiếu hụt 50-60%.
Tại Trung Bộ, Tây Nguyên, mực nước trên một số sông cũng xuống dưới hoặc tương đương mức lịch sử, tập trung tại Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum... Dòng chảy trên các sông thiếu hụt so với trung bình 20-40%, một số sông thiếu hụt trên 70% như trên sông Ba tại Củng Sơn, sông La Ngà tại Tà Pao.
Cơ quan khí tượng cảnh báo từ tháng 5 đến tháng 7, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc vẫn cao 1-2 độ C so với cùng kỳ.
Tình trạng hạn hán ở khu vực phía bắc Tây Nguyên tiếp diễn đến nửa đầu tháng 5, sau đó có khả năng giảm dần, còn phía nam Tây Nguyên có thể chấm dứt hạn từ giữa tháng 5.
Trong khi đó, các tỉnh khu vực phía bắc của Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ hạn hán tiếp tục ảnh hưởng trong các tháng 5-7, sau đó mới giảm dần khi vào mùa mưa "chính vụ" từ tháng 9.
Chuyên gia cảnh báo mùa hè năm nay ở Bắc Bộ và Trung Bộ nhiều khả năng ghi nhận nắng nóng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, có thể xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Đi cùng với đó là nguy cơ cao xảy ra các trận dông, lốc, mưa đá.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra từ đêm 23/4 đến ngày 24/4 tại nhiều nơi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây ra nhiều thiệt hại.
Trong đó, một người ở Thanh Hóa bị thương, 4 nhà bị tốc mái, hư hỏng hoàn toàn, 242 nhà bị tốc mái, hư hỏng một phần. Về giáo dục, 19 trường học, điểm trường bị tốc mái, hư hỏng.
1.570ha lúa, hoa màu và cây ăn quả và 47ha lâm nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại. Mưa dông cũng khiến 67 cột điện bị gãy đổ, 17 thuyền dân sinh bị thiệt hại, một trạm y tế và một trụ sở cơ quan bị ảnh hưởng.
Các thiệt hại trên tập trung tại 4 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.