1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vì sao chợ truyền thống, trung tâm thương mại ở TPHCM ế ẩm?

Q.Huy Phương Nhi

(Dân trí) - Đại diện Sở Công Thương TPHCM nói người dân mua sắm Tết vừa rồi đã nhiều, cộng thêm việc chuyển dần sang hình thức mua hàng online khiến các trung tâm thương mại, chợ truyền thống ế ẩm.

Chiều 23/3, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, ông Lê Đình Hiếu, đại diện Sở Công thương TPHCM, thông tin về việc tiểu thương chợ truyền thống phản ánh sức mua giảm sâu, nhiều trung tâm thương mại vắng khách, bỏ trống mặt bằng thời gian qua.

Vì sao chợ truyền thống, trung tâm thương mại ở TPHCM ế ẩm? - 1

Loạt sạp hàng tại An Đông Plaza (quận 5, TPHCM) đóng cửa im lìm, tiểu thương treo biển cho thuê nhiều tháng liền không thấy ai gọi (Ảnh: Quang Ninh).

Ông Hiếu lý giải, tình trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có tác động từ việc kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

"Hai tuần qua có 2 sự cố lớn là Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ và khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp Phố Wall (Mỹ). Đồng thời, chiến sự ở Ukraine, việc cấm vận, tranh chấp lãnh thổ, giao thương giữa các nước trên thế giới cũng có nhiều biến động", đại diện Sở Công Thương cho biết.

Mặt khác, Việt Nam là nước hội nhập sâu nên các doanh nghiệp không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhất là các doanh nghiệp có nhiều lao động, đơn hàng suy giảm, công nhân giảm việc, ít tăng ca hơn trước, thu nhập vơi đi.

Vì sao chợ truyền thống, trung tâm thương mại ở TPHCM ế ẩm? - 2

Ông Lê Đình Hiếu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Sở Công Thương (Ảnh: T.N.).

Trong nước, tình hình trái phiếu doanh nghiệp cũng biến động khi nhiều doanh nghiệp vi phạm, dẫn đến chính sách điều hành tài chính, lãi suất vay ngân hàng tăng cao. Đặc biệt là khoảng vay tiêu dùng và thế chấp. Do đó, người dân phải thắt chặt chi tiêu, ưu tiên tiêu dùng cơ bản, thiết yếu, tác động làm sức mua giảm.

"Ngoài ra, người dân cũng vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đã mua sắm nhiều rồi. Do đó xuất hiện tình trạng như báo chí phản ánh, nhưng không đến mức trầm trọng", ông Lê Đình Hiếu nói.

Đại diện Sở Công Thương cũng thông tin, các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sàn thương mại điện tử phát triển, phương thức kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội phong phú, đa dạng hơn. Do đó, người dân chuyển dần sang hình thức mua hàng online.

"Việc người tiêu dùng ít đến các trung tâm thương mại, chợ truyền thống hơn cũng không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực mà là một phần xu hướng phát triển của nền kinh tế hiện nay", ông Hiếu nhấn mạnh.