Trung tâm thương mại trên "đất vàng" TPHCM: Nơi đông đúc, chỗ vắng vẻ
(Dân trí) - Tuy nằm tại khu vực đông đúc và nhộn nhịp nhất ở quận 1 (TPHCM), nhưng một số trung tâm thương mại tại đây đang rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ.
Nơi đông đúc
Không làm người dân thất vọng khi được mệnh danh là một trong những trung tâm mua sắm thuần Việt, nơi có lượng khách đông nhất nhì thành phố, chỉ sau vài phút mở cửa hoạt động, trung tâm Vincom Center Đồng Khởi (đường Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM) đã đón lượng khách ra vào đáng kể.
Việc sở hữu cả 3 mặt tiền Đồng Khởi - Lý Tự Trọng - Lê Thánh Tôn, đồng thời hội tụ hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ ở mọi lĩnh vực như: điện máy, làm đẹp, thời trang, mỹ phẩm, vui chơi giải trí, rạp phim, ẩm thực… khiến trung tâm này luôn trong tình trạng quá tải vào cuối tuần và dịp lễ.
Theo ghi nhận của Dân trí, vào chủ nhật (ngày 12/3), càng về trưa lượng khách đổ về Vincom Center Đồng Khởi càng đông.
Tại tầng B3 - khu ăn uống, các nhà hàng gần như không còn chỗ trống, nhiều thực khách đến sau phải ngồi trước cửa để đợi nhận bàn.
Chuỗi cà phê Highlands gần đó cũng trong tình trạng tương tự, nhiều khách hàng cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm ghế trống. Một số người chọn hình thức mua mang đi hoặc di chuyển sang thương hiệu đồ uống khác để tránh mất thời gian chờ đợi.
Tại các cửa hàng thương hiệu thời trang nổi tiếng như Zara, H&M, Charles & Keith... nhiều hộ gia đình có dẫn theo trẻ em vẫn không ngần ngại đứng xếp hàng gần cả tiếng đồng hồ để đợi đến lượt thanh toán sản phẩm.
Vừa bước ra khỏi một cửa hàng mỹ phẩm, chị Nguyễn Thị Hồng Yến (ngụ quận 1, TPHCM) cảm thấy phấn khích khi mua được món đồ ưng ý. "Vì trung tâm thương mại này khá gần nhà và đa dạng thương hiệu nên tôi hay ghé vào đây để đi mua sắm cùng bạn bè, đặc biệt là vào các đợt giảm giá, nhiều chương trình ưu đãi", chị Yến nói.
So với Vincom Đồng Khởi, Saigon Centre (đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM) cũng không kém phần đông đúc. Hơn 90% lượng khách chủ yếu tập trung vào mua sắm các sản phẩm giảm giá và khu vực ăn uống.
Giữa sảnh chính, dòng người chen chúc nhau để được mua hàng với giá ưu đãi lên đến 50%, đa dạng các sản phẩm từ đồ gia dụng cho đến giày dép, đồ chơi…
Tại một số tầng, đơn vị này phải tăng cường thêm lực lượng bảo vệ để đảm bảo trật tự, kịp thời phục vụ khách hàng trong quá trình mua sắm do lượng khách đổ về mua sắm ngày càng nhiều.
Cùng thuộc nhóm sản phẩm như nhau, nhưng tại các gian có phân khúc cao cấp hơn, không có chương trình giảm giá thì tình cảnh lại trái ngược hoàn toàn. Đa số không có khách hoặc chỉ lác đác 1-2 người ghé xem sản phẩm rồi bỏ đi.
Đối với tầng ẩm thực, theo ghi nhận, mặc dù đã hơn 21h, nhưng nhân viên tại các cửa hàng này vẫn đang rất bận rộn, có nơi còn phải bổ sung thêm nhân lực để nhanh chóng phục vụ cho hàng dài khách đứng đợi.
Nơi đìu hiu
Nằm trên khu "đất vàng", góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, nhưng trung tâm thương mại Diamond Plaza (đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM) lại vắng vẻ lạ thường khiến không ít người tiếc nuối. Nơi đây từng là địa điểm hội tụ đình đám của giới yêu thích lĩnh vực thời trang, cùng nhiều thế hệ 8x, 9x đời đầu tại thành phố.
Chỉ trừ các dịp đặc biệt như lễ Tết, Giáng sinh… xung quanh khu vực tòa nhà được đầu tư trang trí hoành tráng thì mới trở nên nhộn nhịp, đông đảo người dân đến check in. Riêng các ngày còn lại, lượng nhân viên còn nhiều hơn khách hàng ghé thăm.
Mặc dù vào khung "giờ vàng" những ngày cuối tuần, nhưng lượng khách đến đây cũng không cải thiện hơn.
Không quá khó để có thể bắt gặp hình ảnh nhân viên ngồi bấm điện thoại để "giết" thời gian hay thẫn thờ chờ khách tại các cửa hàng thương hiệu xa xỉ trên thế giới như Clinique, Chanel, Calvin Klein…
Hàng trưng bày đồ gia dụng, dụng cụ bếp cũng không thoát khỏi cảnh "vắng lặng như tờ", chỉ lác đác vài khách đến xem và đa phần là người nước ngoài đến để tham quan.
Tại tầng 5 của trung tâm, được giới thiệu là nơi tập trung dịch vụ ăn uống, giải trí, spa và khu vui chơi bowling. Tuy nhiên, hiện tầng này chỉ có vỏn vẹn 4 nhà hàng đang hoạt động và 2 thương hiệu dự kiến chuẩn bị ra mắt trong thời gian tới, lượng khách lui tới khu vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Quanh vỉa hè giáp tòa nhà Diamond cũng trở nên vắng vẻ, không có nhiều người qua lại.
Tòa nhà Bitexco Financial Tower (đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng trước thông tin sắp đóng cửa hoạt động trong thời gian gần đây.
Bitexco từng được xem là tòa nhà cao nhất TPHCM, trước khi có sự xuất hiện của Landmark 81. Với tổng diện tích 119.000m2, bao gồm 68 tầng và 3 tầng hầm, phần lớn tòa nhà được các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước thuê làm văn phòng. Phần còn lại được sử dụng làm khu trung tâm thương mại, khu vực nhà hàng, cà phê…
Dù được bố trí 6 tầng (từ tầng 1 đến tầng 6) để phục vụ cho hoạt động thương mại, ăn uống và giải trí. Nhưng từ lầu 2 tòa nhà trở lên đã được phía chủ đầu tư tạm ngưng hoạt động, dừng thang cuốn và tiến hành giăng dây để chặn người lên xuống khu vực.
Hệ thống thang máy cũng được khóa tác vụ chọn tại các tầng này, chỉ còn lại 3 tầng: G, 1, 2 được tiếp tục hoạt động và di chuyển bình thường. Được biết, lý do dẫn đến tình trạng này là do tòa nhà đang trong quá trình thực hiện việc nâng cấp cải tạo.
Theo quan sát của Dân trí, ngay tại khu vực tầng trệt, số lượng cửa hàng kinh doanh hàng hóa và đồ uống còn hoạt động nhiều, lượng khách có phần khả quan hơn so với các tầng trên. Tuy nhiên, một số nhân viên tại đây đánh giá, hoạt động mua bán thời gian này không còn sầm uất như trước.
Riêng tầng 1 và 2, mỗi tầng chỉ có duy nhất một cửa hàng vẫn còn hoạt động. Cụ thể, tầng 1 hiện đang được một đơn vị nhỏ lẻ thuê lại ngắn ngày với mục đích bán rẻ các sản phẩm tồn với giá ưu đãi, tuy nhiên sẽ trả lại khu vực trong vài ngày tới. Còn tầng 2 thì có nhà hàng lẩu Haidilao, lượng khách cũng tương đối ổn định vào dịp cuối tuần.