1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vì sao cần cấp Căn cước công dân cho người gốc Việt Nam không quốc tịch?

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc giải trình rõ lý do mở rộng đối tượng cấp Căn cước công dân là người gốc Việt Nam không quốc tịch, và việc này có phù hợp với Luật Quốc tịch?

Góp ý cho dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo  - Bộ Công an, giải trình rõ lý do mở rộng đối tượng cấp Căn cước công dân là người gốc Việt Nam không quốc tịch, trong điều kiện vẫn giữ nguyên tên gọi của luật.

Trả lời việc này, Bộ Công an cho biết, theo Luật Quốc tịch Việt Nam thì không có khái niệm về "người chưa xác định được quốc tịch".

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở Việt Nam có khoảng 31.117 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch.

Trong đó, có 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long...; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại TPHCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai...; 16.161 trường hợp người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương....

Vì sao cần cấp Căn cước công dân cho người gốc Việt Nam không quốc tịch? - 1

Làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân (Ảnh minh họa: M.Q).

"Đối với những người này, việc quản lý và áp dụng các chính sách pháp luật theo quy định đối với người không quốc tịch là phù hợp; bảo đảm quyền và lợi ích của người gốc Việt Nam khi được cấp giấy chứng nhận căn cước. Các chủ thể này có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống", Bộ Công an giải đáp.

Đồng thời, khi cấp căn cước thì Nhà nước sẽ quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống tại địa phương và tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

"Nếu không bổ sung mở rộng đối tượng này thì không có điều kiện để quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống ở nước ta; gây khó khăn cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội", Bộ Công an nhấn mạnh.

Trường hợp người gốc Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật thì cơ quan Nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, nhất là thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, Bộ Công an cho rằng quy định này là phù hợp và cần thiết.

Có phù hợp với Luật Quốc tịch ?

Bộ Tư pháp cho biết, khoản 1 Điều 7 dự thảo luật quy định người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam gồm con, cháu của người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và hiện nay là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Việc xác định đối tượng này là chưa phù hợp với Luật Quốc tịch (khoản 4 Điều 3), quy định "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài".

Điều 17 Luật Quốc tịch quy định quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch gồm: Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam; Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

"Như vậy, việc xác định con, cháu của người đã từng có quốc tịch Việt Nam là chưa phù hợp với quy định về người gốc Việt Nam theo Luật Quốc tịch. Bên cạnh đó, trường hợp con của người không quốc tịch nhưng sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam và có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam cũng chưa bảo đảm thống nhất với Luật Quốc tịch. Do đó, đề nghị cân nhắc việc quy định nội dung này", Bộ Tư pháp góp ý kiến.

Vì sao cần cấp Căn cước công dân cho người gốc Việt Nam không quốc tịch? - 2

Căn cước công dân gắn chíp (Ảnh: Mạnh Quân).

Lý giải, Bộ Công an phân tích, đây chỉ là một trong những điều kiện để xác định là quốc tịch Việt Nam và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Căn cước công dân.

Vì vậy, Bộ Công an đã nghiên cứu và chỉnh lý khoản 1 Điều 7 dự thảo luật theo hướng: Người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch gồm: a) Người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống; b) Con ruột, cháu ruột của người này.

Bộ Công an khẳng định quy định được đưa ra trong dự thảo không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ Y tế đề nghị cân nhắc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói.

Theo dự thảo luật, Bộ Công an tiếp tục đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin về sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Như vậy, cơ sở dữ liệu căn cước sẽ bao gồm 22 trường thông tin cá nhân của công dân gồm:  Họ tên khai sinh, số định danh cá nhân, ngày/tháng/năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, số chứng minh nhân dân 9 số, ngày cấp và thời hạn sử dụng của chứng minh nhân dân/căn cước công dân, họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại.

Ngoài ra còn có đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói), tên gọi khác, nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân), trình độ học vấn, trạng thái của tài khoản định danh điện tử (khóa, mở, mức độ…).

Bộ Y tế đề nghị cân nhắc quy định theo hướng linh hoạt, không bắt buộc đối với thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói.

Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn "quyết" giữ nguyên như dự thảo luật vì việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Theo Bộ Công an, quy định này tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc….

"Những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý Căn cước công dân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân", Bộ Công an nêu quan điểm.