Lại tranh luận về đề xuất cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an tiếp tục đề xuất cấp Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi (không bắt buộc) nhưng Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc lại, Bộ Nội vụ cho rằng phải có đánh giá và không làm phát sinh thủ tục.

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức thẩm định dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng.

Theo Bộ Công an, Luật Căn cước công dân hiện hành không quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho toàn bộ công dân Việt Nam (loại trừ đối tượng là người dưới 14 tuổi, người không có nơi thường trú…).

Để đảm bảo yêu cầu quản lý, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ.

Đối với trẻ em mới sinh việc thực hiện cấp Căn cước công dân được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh. Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải bắt buộc thực hiện thủ tục cấp Căn cước công dân. Đối với người dưới 14 tuổi thực hiện việc cấp Căn cước công dân theo nhu cầu (không bắt buộc).

Lại tranh luận về đề xuất cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi - 1

Căn cước công dân gắn chíp điện tử (Ảnh: M.Q).

Ý kiến trái chiều

Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc về quy định nêu trên. "Trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, là lứa tuổi phát triển mạnh, nhanh nên các đặc điểm nhân dạng chưa ổn định. Do đó, đối với công dân dưới 14 tuổi, việc cấp Căn cước công dân là chưa bảo đảm phù hợp", Bộ Tư pháp phân tích.

Hơn nữa, việc này có thể phát sinh thêm thủ tục hành chính do trẻ em mới được sinh ra trong cùng một thời điểm phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau như: Mã định danh cá nhân, giấy khai sinh và căn cước công dân dẫn đến việc gây lãng phí nguồn lực thực hiện, tăng chi phí đối với người dân mỗi lần cấp, đổi thẻ Căn cước công dân và tăng gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc tổ chức triển khai việc thực hiện cấp.

Theo thông lệ quốc tế, nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia quản lý dân cư thông qua phương thức cấp thẻ Căn cước công dân cho thấy, hầu hết các quốc gia quản lý dân cư thông qua phương thức cấp thẻ này đều chỉ cấp cho công dân ở độ tuổi phát triển nhất định, đã có sự ổn định tương đối về đặc điểm nhân dạng, không cấp ngay từ khi công dân ra đời.

Cụ thể, Hà Lan và Bỉ quy định độ tuổi cấp căn cước là 12 tuổi trở lên; Cộng hòa Czech quy định độ tuổi cấp căn cước 15 tuổi trở lên; ở Indonesia, độ tuổi cấp căn cước gắn chíp 17 tuổi trở lên…

Trả lời Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo Bộ Công an khẳng định, việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi bảo đảm tính khả thi. Hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của cá nhân. Đối với việc thu thập vân tay đã sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản; có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan; phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ Căn cước cho cả công dân dưới 14 tuổi: Algeria, Argentina, Bỉ, Chile, Colombia, Síp, Đức, Guatemala, Kuwait, Malaysia, Bồ Đào Nha, Syria, Thái Lan…

Bộ Công an khẳng định việc này sẽ góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và tiện ích của thẻ Căn cước công dân, định danh điện tử.

Thẻ Căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh (do ngành tư pháp cấp - PV). UBND xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho công dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4 dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời. Giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của công dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện.

"Trong khi đó, thẻ Căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho công dân trong việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày", Bộ Công an lý giải.

Đặc biệt, việc cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu cho người dưới 14 tuổi là miễn phí, khi công dân thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì mới phải nộp phí theo quy định, không phải tốn thêm chi phí cho nhà nước.

Khi công dân sử dụng thẻ Căn cước công dân có gắn chíp đã được tích hợp thêm các thông tin trên giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp thì sẽ tiết kiệm được các chi phí liên quan đến việc sao y, chứng thực, bảo quản các loại giấy tờ và tiết kiệm được nguồn lực cho xã hội.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ đề nghị cân nhắc việc quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Trường hợp cần thiết, Bộ Công an phải có tổng kết, đánh giá và bổ sung cụ thể về số lượng người dưới 14 tuổi có nhu cầu cấp thẻ Căn cước công dân trong toàn quốc hiện nay để bảo đảm tính khả thi, không làm phát sinh thủ tục cho người dân.

"Chính sách này đã được Bộ Công an đánh giá tác động trong quá trình lập đề nghị xây dựng luật và Chính phủ đã thông qua chính sách này", Bộ Công an trả lời.

Lại tranh luận về đề xuất cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi - 2

Làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân (Ảnh: M.Q).

Từng bị Quốc hội "bác"

Trước đó, tháng 11/2014 khi Quốc hội cho ý kiến về Luật Căn cước công dân cũng có 2 loại ý kiến về tuổi cấp thẻ. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên. Loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi như dự thảo luật đề xuất.

Ngày 1/11/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, có 61% đại biểu Quốc hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất; 27% đại biểu Quốc hội nhất trí với loại ý kiến thứ hai; 12% đại biểu Quốc hội có ý kiến khác.

Tiếp thu đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên và chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan cho phù hợp.

Ngày 20/11/2014, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước công dân với đa số đại biểu tán thành. Đến nay, Bộ Công an cho rằng luật này có nhiều quy định hạn chế, bất cập nên đề nghị sửa đổi.