Vi phạm về thủy lợi: Thống nhất "rút kinh nghiệm" vì không động cơ vụ lợi
(Dân trí) - Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết đã thống nhất xử lý trách nhiệm theo hình thức "rút kinh nghiệm" với những vi phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Liên quan đến những vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai tại Bộ NN&PTNT (từ 1/3 đã sáp nhập với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi cho biết đã có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề.
Đơn vị này khẳng định các quy hoạch thủy lợi trước khi phê duyệt đều lấy ý kiến của các địa phương trong vùng quy hoạch và thực tế triển khai ở các địa phương nên cơ bản phù hợp với tiêu chí đặt ra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hồ chứa nước Cửa Đạt và hồ chứa nước Tả Trạch đều là công trình quan trọng đặc biệt theo Quyết định 124/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Điều 21 và Điều 23 Luật Thủy lợi nêu rõ hai công trình này phải do doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT (cũ) quản lý.

Đập chính công trình thủy lợi hồ Cửa Đạt ở tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Báo Thanh Hóa).
Báo cáo giải trình cho rằng, Bộ NN&PTNT không giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi cho doanh nghiệp. Thẩm quyền điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi Cửa Đạt, Tả Trạch từ Tổng cục Thủy lợi sang Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Cửa Đạt và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và ý kiến thống nhất của các bộ, địa phương liên quan.
Hơn nữa, từ trước đến nay, trên phạm vi cả nước, Nhà nước không cấp tiền cho doanh nghiệp thủy lợi thành vốn điều lệ trong quá trình thành lập doanh nghiệp. Để đủ điều kiện theo quy định về vốn điều lệ, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) phải lấy vốn là giá trị của công trình xây dựng. Việc này cũng đã được quy định tại pháp luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
"Ngay từ đầu, Bộ NN&PTNT xác định rõ việc công trình thủy lợi Cửa Đạt và Tả Trạch phải do doanh nghiệp nhà nước quản lý, khai thác theo quy định của Luật Thủy lợi. Việc giao Ban 3, Ban 5 quản lý, khai thác chỉ là bước chuyển tiếp, đảm bảo công trình phát huy hiệu quả trong phục vụ sản xuất, dân sinh, công tác quản lý, vận hành, bảo trì là thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn và công trình đảm bảo an toàn", báo cáo giải trình cho hay.
Trong tháng 2 vừa qua, các đơn vị liên quan đã họp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo Kết luận thanh tra số 495/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
"Kết quả nhận thấy, các thiếu sót, tồn tại được nêu trong kết luận thanh tra về quy hoạch thủy lợi cơ bản do nhận thức, cách hiểu và áp dụng các quy định văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, cách hiểu và áp dụng các quy định văn bản quy phạm pháp luật còn khác nhau", cơ quan này cho hay.
Lãnh đạo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, bản chất sự việc không có động cơ, vụ lợi, không gây thất thoát tiền, tài sản của nhà nước. Do đó, cơ quan này đã thống nhất xử lý trách nhiệm theo hình thức rút kinh nghiệm.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm
Như Dân trí thông tin, tại kết luận số 495/KL-TTCP ban hành vào cuối năm 2024, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm trong kiểm tra, giám sát việc lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Bộ NN&PTNT. Từ đó, cơ quan thanh tra yêu cầu bộ này làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.