1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội, Thái Bình đã "ngó lơ" vi phạm đê điều như thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ phát hiện tồn đọng 1.015 vụ việc vi phạm đê điều chưa được xử lý; hàng loạt công trình, vi phạm ở Hà Nội, Thái Bình đã phát hiện thời gian dài nhưng vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy hàng loạt các vi phạm trong quản lý đê điều.

Tồn đọng 1.015 vụ việc vi phạm đê điều, buông lỏng quản lý

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến đê điều, số vụ vi phạm có xu hướng giảm nhưng mức độ, quy mô các vi phạm lại nghiêm trọng hơn.

Hà Nội, Thái Bình đã ngó lơ vi phạm đê điều như thế nào? - 1

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Nguyễn Dương).

Việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm còn hạn chế, dẫn đến số lượng vi phạm còn tồn đọng nhiều. Nhiều tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm mái đê, hành lang đê, xây dựng công trình, nhà ở, nhà xưởng, lều quán, tập kết vật liệu trên bãi sông.

Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương một số nơi chưa thấy rõ trách nhiệm, tầm quan trọng của quản lý đê điều, buông lỏng quản lý; chưa kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm.

Từ năm 2018 đến năm 2023, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (trước đây là Tổng cục Phòng chống thiên tai) đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành 460 văn bản nêu ý kiến liên quan đến việc sử dụng bãi sông.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ phát hiện 4 dự án xây dựng công trình ở bãi sông khi Bộ NN&PTNT chưa có ý kiến thẩm định về thoát lũ, an toàn đê điều trình Thủ tướng Chính phủ - vi phạm Luật Đê điều, gồm: Dự án khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh và Trung tâm hội nghị FLC Vĩnh Phúc trên bãi sông Hồng (tỉnh Vĩnh Phúc); Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dịch vụ xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên; Dự án Vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội; Dự án Khu vui chơi giải trí và du lịch ven sông Lam, phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An.

Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra 3 dự án xây dựng trái phép, vi phạm Luật Đê điều, gồm: Dự án xây dựng công trình bãi sông đê hữu Ninh của Công ty CP đóng tàu thủy Đức Việt, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, Nam Định; Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương xây dựng công trình ở bãi sông đê hữu Văn Úc, huyện Tiên Lãng; Công ty CP thương mại và xây dựng Minh Sơn xây dựng công trình ở bãi sông đê tả Văn Úc, huyện An Lão (Hải Phòng).

Trong quá trình xây dựng, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Phòng, chống thiên tai có 26 văn bản đôn đốc, nhắc nhở và một kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ NN&PTNT (tại Hải Phòng) nhưng các dự án vẫn được xây dựng, tồn tại và chưa xử lý dứt điểm theo quy định.

"Một số tỉnh không thực hiện ý kiến của Bộ NN&PTNT trong việc chấp thuận đầu tư dự án, buông lỏng quản lý đê điều. Khi phát hiện vi phạm thì xử lý thiếu kiên quyết, dứt điểm, dẫn đến dự án vẫn được thực hiện và tồn tại", thanh tra kết luận.

Đặc biệt, theo thanh tra, việc xử lý vi phạm còn tồn đọng 1.015 vụ việc, trong đó có 280 vụ thuộc nhóm có hành vi vi phạm bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7 Luật Đê điều; tồn đọng 735 vụ thuộc nhóm vi phạm bị nghiêm cấm tại Điều 7, vi phạm Điều 26 Luật Đê điều 2006, Điều 12 Luật Đất đai 2013.

"UBND các địa phương (Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Tháp) khi phát hiện vi phạm về đê điều đã xử lý không nghiêm, không dứt điểm; không thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thu hẹp không gian thoát lũ", thanh tra nhấn mạnh.

Loạt công trình ở Hà Nội vi phạm nhưng vẫn tồn tại

Tại kết luận thanh tra vừa ban hành, một số vụ việc vi phạm tại Hà Nội, Thái Bình đã được Thanh tra Chính phủ nêu ra với hàng loạt vi phạm, sai với Quy hoạch 257 (dự án, công trình,… hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông không được phép xây dựng).

Tại tỉnh Thái Bình có 2 vụ việc.

Thứ nhất, Dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Thành An, diện tích sử dụng đất trên 18.800m2, xây dựng nhà máy trái phép tại khu vực bãi sông.

Thứ hai, vụ vi phạm đối với Hộ kinh doanh của ông Phạm Văn Phong, diện tích sử dụng đất gần 10.400m2, kinh doanh vật liệu trái phép tại khu vực bãi sông, vi phạm Điều 7 Luật Đê điều năm 2006.

Cơ quan chức năng Thái Bình đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đê điều lần lượt 9 lần và 13 lần (chưa bao gồm việc xử phạt vi phạm hành chính của công an các cấp) nhưng chưa xem xét, xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Hà Nội, Thái Bình đã ngó lơ vi phạm đê điều như thế nào? - 2

Thanh tra Chính phủ khẳng định UBND TP Hà Nội đã cấp phép cho 11 công ty thực hiện đầu tư xây dựng 25 trạm trộn bê tông ở bãi sông Hồng không đúng đối tượng (Ảnh minh họa: Giao Thông).

Tại Hà Nội, năm 2021 Thanh tra TP Hà Nội có Kết luận thanh tra số 5982/KLTT chỉ ra Công ty CP chế tạo máy Hồng Hà có diện tích đất thuê 31.333m2 (giao cho công ty thuê xây dựng nhà máy 26.800m2 và diện tích thuộc hành lang giao thông trên 4.500m2) đã xây dựng 15 nhà xưởng diện tích khoảng 16.000m2 và một khu nhà điều hành 350m2 tại km85+700 đê hữu Hồng nằm trong hành lang thoát lũ, vi phạm Điều 7 Luật Đê điều.

Từ tháng 8/2008, Công ty CP chế tạo máy Hồng Hà không nộp tiền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất. Công ty xây dựng nhà máy khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, theo kết luận thanh tra, vi phạm Luật Xây dựng.

Dự án này bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về đê điều 11 lần, nhưng chưa xem xét, xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, năm 2013.

Ngoài ra, Công ty Sao nam sông Hồng và Công ty CP cây cảnh Bảo Sinh vi phạm hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Đê điều, đã bị cơ quan chức năng Hà Nội chỉ đạo xử lý lần lượt 12 lần và 9 lần nhưng không xử lý dứt điểm, triệt để nên các vi phạm vẫn tồn tại đến nay.

"UBND TP Hà Nội và tỉnh Thái Bình đã phát hiện vi phạm nhưng xử lý không nghiêm, không dứt điểm, vi phạm Luật Đê điều; không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều đối với các vi phạm trên, ảnh hưởng đến không gian thoát lũ", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ khẳng định từ năm 2018 đến năm 2023 UBND TP Hà Nội đã cấp phép cho 11 công ty thực hiện đầu tư xây dựng 25 trạm trộn bê tông ở bãi sông Hồng không đúng đối tượng theo Luật Đê điều năm 2006 (đây là dự án phải được Bộ NN&PTNT thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Danh sách cụ thể được thanh tra công bố gồm: Công ty CP Cảng Khuyến Lương, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Nguyễn, Công ty TNHH Vận tải sông Hồng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đức Mạnh, Công ty CP cảng Hồng Hà, Công ty CP Thương mại Nam Thăng Long, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Bách Khoa, Công ty CP Đầu tư xây lắp và khai thác Cảng, Công ty TNHH Kinh doanh vật tư và vận chuyển Hà Trang, Công ty TNHH Nam Sơn, Công ty CP sản xuất và thương mại THM-CONCRETE.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội, tỉnh Thái Bình thực hiện rà soát các dự án và xem xét, xử lý nghiêm, đảm bảo đúng thẩm quyền, an toàn đê điều.

Có thể chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra, rà soát, xem xét, xử lý vi phạm đối với các dự án nêu tại Báo cáo số 1239/2024 và các báo cáo giải trình chi tiết khác theo quy định Luật Đê điều, Luật Đất đai và quy định pháp luật khác có liên quan.

Nếu phát hiện vi phạm pháp luật có dấu hiệu phạm tội thì chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.