Đề nghị Hà Nội xử lý dứt điểm 25 trạm bê tông ven sông Hồng
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội ngăn chặn, xử lý kịp thời việc lợi dụng hoạt động của 25 trạm bê tông thuộc 11 doanh nghiệp nằm ở bãi sông Hồng.
Theo kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai tại Bộ NN&PTNT vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, trên địa bàn Hà Nội đang tồn đọng 344 vụ vi phạm đê điều.
Nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý
Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2021, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội đã ban hành Kết luận số 5982/KL-TTTP thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội tại 8 quận, huyện. Trong đó chỉ rõ, năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tây (cũ) ký hợp đồng cho thuê đất với Công ty CP chế tạo máy Hồng Hà để thực hiện Nhà máy chế tạo thiết bị tự động và cơ khí thủy lực, thời hạn thuê đất đến ngày 19/5/2058, diện tích đất thuê hơn 31.300m2.
Từ tháng 8/2008, công ty này không nộp tiền sử dụng đất. Giai đoạn 2010-2017, doanh nghiệp đã xây dựng 15 nhà xưởng, diện tích 16.000m2 và một khu nhà điều hành, diện tích 350m2 trong hành lang thoát lũ sông Hồng khi UBND TP Hà Nội chưa cấp phép xây dựng.
Trong khi đó, Công ty Sao Nam sông Hồng (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) bị kết luận vi phạm từ tháng 1/2014, các cơ quan đã chỉ đạo xử lý 12 lần.
Công ty CP cây cảnh Bảo Linh (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) vi phạm đổ phế thải khối lượng lớn để tôn nền, xây dựng nhà, nhà kho để vật liệu xây dựng, bãi trông giữ xe quy mô lớn từ tháng 6/2018. Cơ quan chức năng có 9 văn bản chỉ đạo xử lý.
Hai doanh nghiệp này, theo cơ quan thanh tra, đều vi phạm hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Đê điều, Luật Đất đai nhưng cơ quan của Hà Nội xử lý không dứt điểm, triệt để.
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cấp phép cho 11 doanh nghiệp xây dựng 25 trạm trộn bê tông ở bãi sông Hồng không đúng đối tượng theo Luật Đê điều.
11 doanh nghiệp đó là: Công ty CP Cảng Khuyến Lương, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Nguyễn, Công ty TNHH Vận tải sông Hồng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đức Mạnh, Công ty CP cảng Hồng Hà, Công ty CP Thương mại Nam Thăng Long, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Bách Khoa, Công ty CP Đầu tư xây lắp và khai thác Cảng, Công ty TNHH Kinh doanh vật tư và vận chuyển Hà Trang, Công ty TNHH Nam Sơn, Công ty CP sản xuất và thương mại THM-CONCRETE.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời việc lợi dụng hoạt động của 25 trạm bê tông nhằm khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, có nguy cơ sạt lở…
Hà Nội cũng phải thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm về đê điều; xem xét, xử lý nghiêm minh về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thực hiện kết luận nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, Thanh tra Chính phủ đề nghị chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Nước thải đô thị chỉ mới được xử lý sơ bộ
Kết luận thanh tra dẫn báo cáo của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy đến nay hầu hết tất cả các trạm xử lý nước thải đô thị ở Hà Nội theo quy hoạch chưa được xây dựng. Khu vực nội thành vẫn sử dụng 5 trạm xử lý nhỏ và trạm Yên Sở.
Như vậy, Hà Nội hiện tại chỉ mới được xử lý khoảng 20% so với yêu cầu (thời điểm thanh tra đạt khoảng 30%).
Nhìn chung, theo kết luận thanh tra, nước thải đô thị ở Thủ đô chỉ mới được xử lý sơ bộ qua các bể lắng lọc của hộ gia đình, các khu đô thị nhỏ lẻ và xả trực tiếp ra cống, kênh, mương; cuối cùng đổ ra các sông thuộc hệ thống thủy lợi.
Kết quả quan trắc cho thấy từ năm 2018-2023, chất lượng nước tại tất cả các điểm trên trục chính sông Nhuệ, sông Cầu Bây đều bị ô nhiễm.
Tại sông Nhuệ, kết quả khảo sát từ 2008 đến năm 2023 cho thấy trục chính sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng từ cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) tới cầu Thần (huyện Phú Xuyên). Khi nước từ sông Nhuệ chảy vào kênh Duy Tiên (Hà Nam) sẽ làm cho nước ở đây bị ô nhiễm.
UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt, công bố và quản lý kết quả điều tra cơ bản thủy lợi, thực hiện không đúng quy định Luật Thủy lợi năm 2017.
UBND TP Hà Nội chưa thực hiện hàng loạt công việc như: di dân tái định cư ra khỏi hành lang thoát lũ; rà soát quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều trên địa bàn; xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành các công trình đầu mối nhằm đảm bảo chống lũ, chống úng về mùa mưa và cấp nước mùa kiệt của hệ thống sông Đáy.
"Hà Nội chưa xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp, đảm bảo an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng vùng bãi sông Đáy trong trường hợp chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ", kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.