1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Về nơi lũ đi qua

(Dân trí) - Đại Lộc là huyện bị cơn lũ càn quét nặng nề nhất ở tỉnh Quảng Nam. Cơn “đại hồng thuỷ” đã nhấn chìm gần 35.000 hộ dân của huyện. Hiện lũ đã rút nhưng nước xuống rất chậm, còn nhiều xã bị cô lập. <i>Dân trí</i> đã đến Đại Lộc, ghi nhận những nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ của người dân nơi đây.

Khi cơn lũ đi qua

 

Có mặt tại huyện Đại Lộc lúc 8h sáng, chúng tôi phải lội bì bõm trong những vũng bùn non dày gần 5 tấc mới vào được UBND huyện. Tiếp chúng tôi là ông Mai Văn Suý, Phó Chủ tịch UBND huyện, ống quần xắn cao quá đầu gối. Trụ sở UBND cũng vừa bị ngâm nước trong đợt lũ vừa qua, nước ngập tận gần nóc.

 

Chỉ vào những chiếc xe chở mỳ ăn liền, ông Suý nói: “Chúng tôi tiếp tục cứu trợ khẩn cấp cho người dân những vùng bị chia cắt gần 5.000 thùng mỳ ăn liền, 40 tấn gạo cùng một số vật dụng gia đình như chăn màn, quần áo... Lực lượng quân đội cũng đã cử 2 máy máy bay trực thăng, cùng với thuyền máy, ca-nô chở mỳ, nước uống, thuốc chữa bệnh phát cho người dân”.

 

Về nơi lũ đi qua - 1

Những hàng dây điện chìm sâu trong nước.

 

Trong đợt lũ vừa qua, mực nước sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa đạt mốc 10,36m, cao hơn trận lũ lịch sử năm 1999 là 16cm. 95% hộ dân của toàn huyện bị ngập nước, những xã vùng thấp gần như bị lũ nhấn chìm. Chưa có một con số cụ thể về thiệt hại của toàn huyện nhưng những ước tính ban đầu là rất nặng nề. Qua đợt lũ, toàn huyện có 7 người chết và mất tích, đa phần do sự chủ quan, sơ ý của người dân khi lũ đến.

 

Do nước lũ rút chậm, sạt lở trên nhiều tuyến đường nên vẫn còn 7 xã trên địa bàn huyện bị cô lập cả về giao thông và liên lạc. Có mặt tại cầu Phốc từ thị trấn Ái Nghĩa đi 7 xã vùng B dưới cái nắng oi và mùi bùn non, chúng tôi mới thấy được sự nỗ lực hết sức của người dân và chính quyền địa phương trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

 

Về nơi lũ đi qua - 2

Nhiều tuyến đường giao thông vẫn gần như tê liệt,

đi lại rất khó khăn.

 

Nguyễn Mạnh Hùng, thanh niên xung kích của huyện, cho biết: “Khi nước rút, chỉ cần xe vào được, các anh em đã nhanh chóng đưa xe đá và cát vào để khắc phục đoạn sạt lở ngay cầu Phốc. Vì đây là tuyến đường huyết mạch nối thị trấn với 7 xã vùng B bị ngập chìm trong nước lũ”.

 

Hai bên đường người dân tranh thủ đem phơi những bao lúa còn lại sau lũ, có những bao lúa chìm lâu trong nước dài ngày, đã mọc mầm. Chị Phan Thị Bông, xã Đại Cường, chia sẻ: “Còn sót lại bao nhiêu cố gắng đem phơi mấy chú ơi, còn từng nào hay từng đó. May trong mấy ngày lũ đến giờ, được sự quan tâm của huyện, gia đình tui được nhận mỳ tôm và gạo chứ không biết lấy chi ăn cả”.

 

Về nơi lũ đi qua - 3

Dân tranh thủ phơi những bao lúa đã bị ngâm mấy ngày

 trong nước. Có những bao lúa đã nảy mầm.

 

Đến xã Đại Thắng, tại địa phận của hai thôn Phú Bình Tây và Phú An, chúng tôi phải lên thuyền để đến với những người dân. Cây cầu Ông Nở tại địa bàn của xã dù cao hơn mặt đường nhưng vẫn ngập chìm sâu trong nước, chỉ còn trơ trọi cột bảng tên cầu.

 

Ông chủ tịch xã Đại Thắng, Hồ Văn Chín cho biết: “Từ mấy ngày qua, xã bị cô lập hoàn vì toàn tuyến đường liên xã bị ngập sâu trong nước và bị sạt lở nghiêm trọng, hệ thống thông tin cũng bị cắt đứt vì đường dây cũng ngập trong nước. Điều đáng lo ngại của chúng tôi hiện nay là trên 3.000 học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông vẫn chưa được đến trường vì giao thông tê liệt”.

 

Những ngôi nhà dân bị xói sâu vào tường đến 1,5m, trơ cả móng, bờ tường đổ sụp, những vườn cây tan hoang, ngả rạp. Ông Trần Quang Cán hồ hởi ra đón chúng tôi, trên tay vẫn cầm bao thuốc Chloramin B: “Tui nhận được bao thuốc khử trùng nên đang tranh thủ làm sạch cái giếng, nước rút rồi, lại được mấy anh cán bộ y tế hướng dẫn nên chừ khỏi lo nguồn nước sinh hoạt”.

 

Về nơi lũ đi qua - 4

Nhà dân bị nước lũ xói đổ tường, trơ móng.

 

Ấm lòng

 

Ông Mai Văn Suý khoe với phóng viên: “Huyện đang huy động 400 quân nhân về trực tiếp các xã vùng B bị ngập nặng để chung tay với bà con khắc phục lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh để nhanh chóng ổn định đời sống cũng như sinh hoạt của người dân”.

 

Ngay trên đoạn ngập cầu Ông Nở, xã Đại Thắng đã huy động chiếc thuyền của xã để đưa những người dân qua lại tránh để tình trạng người dân tự ý vượt nước lũ. Dù biết rằng, kinh phí eo hẹp nhưng xã vẫn cố gắng tránh để trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

Tại trụ sở UBND huyện Đại Lộc, những chuyến hàng tiếp tế, cứu trợ của tỉnh và các tổ chức, cá nhân hảo tâm tiếp tục được phân phối về các vùng dân cư ngập lũ. Anh Đặng Thanh Bình, người con của huyện Đại Lộc đang làm việc tại Đà Nẵng đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân quê nhà 3.000 gói mỳ ăn liền, tâm sự: “Khi biết được tuyến đường lên Đại Lộc đã thông, chúng tôi nhanh chóng đưa số hàng trên đến với bà con, kịp thời giúp đỡ bà con qua cơn hoạn nạn. Sau đợt này, chúng tôi tiếp tục huy động những cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục chung sức giúp bà con khắc phục và các em có sách vở trong năm học này”.

 

Về nơi lũ đi qua - 5

Những thùng mỳ ấm áp tình người.

 

Bà Lê Thị Bừa, người dân ở thành phố Đà Nẵng nghe tin lũ lụt lớn đã cùng bạn bè, người thân, bà con tổ dân phố đóng góp mua 400 thùng mỳ ăn liền, 300 thùng sữa tươi ủng hộ người dân vùng lũ Đại Lộc. Bà Lê Thị Bừa nói trong hàng nước mắt: “Bà con ở đâu cũng như người nhà mình thôi, thấy tivi quay những cảnh nước lũ tui thương quá. Kêu gọi anh em, bà con và trong tổ dân phố đóng góp được chút sức mọn giúp đỡ người dân mình”.

 

Rời Đại Lộc, cảm nhận rõ sâu trong những đôi mắt lo lắng, bàng hoàng của người dân vẫn ánh lên sự ấm áp của tình người trong hoạn nạn. Về nơi cơn lũ vừa đi qua, thấy quang cảnh hoang tàn, thê thảm, nhưng con người vẫn mạnh mẽ, lạc quan.

 

Thừa Thiên - Huế: Nước rút chậm, dân thiếu đói

 

Đến chiều ngày 14/11, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế vẫn ở mức cao. Hàng chục nghìn nhà dân và nhiều tuyến đường vẫn bị nhấn chìm từ 0,5-1,5m, học sinh vẫn chưa thể đến trường. Hơn 2.400 hành khách vẫn bị mắc kẹt tại các nhà ga. Tính đến cuối giờ chiều qua, Huế có 2 người chết, 3 người bị thương.

 

Lũ ngâm lâu, hàng chục nghìn hộ dân kiệt quệ, đói khát; lương thực cứu trợ do khó khăn về giao thông nên khó đến với người dân; lương thực dự trữ thì đã hết từ lâu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Vấn đề nan giải và cần kíp là khẩn trương cứu đói, phòng chống dịch bệnh cho dân. Nguy cơ dịch bệnh hiện rất cao vì nước lũ dâng cao nhiều ngày đã làm 90% giếng nước của dân bị khoả lấp, người dân vùng lũ đang thiếu nước sạch trầm trọng.

 

Quảng Ngãi: 9 người chết và mất tích

 

Toàn tỉnh có hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái, xiêu vẹo; trên 70 nghìn ngôi nhà bị ngập nước; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại... Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 50 tỷ đồng. Hiện tại vẫn còn gần 6 nghìn ngôi nhà ngập nước và thiếu lương thực. Nhiều xã bị ách tắc giao thông, mất điện, thiếu nước sinh hoạt.

 

Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị trung ương hỗ trợ 30 tỷ đồng; chỉ đạo các Sở, ban ngành tiếp nhận, vận chuyển lương thực cứu trợ cho dân.

 

Sau đêm lũ, tỉnh Đoàn đã huy động gần 1.000 đoàn viên thanh niên, thành lập nhiều Đội thanh niên tình nguyện đi giúp hàng trăm hộ dân di dời ra khỏi vùng lũ an toàn. Chiều 14/11, có mặt tại Dốc Sỏi, huyện Bình Sơn, chứng kiến các  đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh môi trường ở nơi có hàng trăm xe tải và hàng ngàn khách bị kẹt lũ.

T.N - Tùng Chi

 

Bài và ảnh: Nguyễn Tân