1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thương lắm miền Trung!

(Dân trí) - Lũ chồng lũ, cả khúc ruột nghèo miền Trung lả đi sau gần một tháng chống chọi với sự tàn phá của thiên tai. Vết thương cũ chưa lành đã phải gánh thêm vết đau mới. Sáng nay, miền Trung giật mình nhận hung tin, rất có thể một cơn lũ mới nữa lại về…

Đến hết ngày 14/11, theo thống kê của Cục quản lý đê điều và phòng chống bão lụt, toàn miền Trung có 36 người chết, 3 người mất tích, 29 người bị thương trong đợt bão lũ số 5 vừa qua. Nhiều nơi ngập chìm trong biển nước trắng xoá, lũ cuồn cuộn chảy về, cuốn đi bao nhiêu người, tài sản, lúa gạo, hoa màu, đất đai,…

 

Xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam), 100% tàu thuyền bị cuốn trôi. Những ngư dân nghèo còn chưa hết ngơ ngác sau nỗi đau Chanchu, giờ lại ngậm ngùi nhìn bao mồ hôi nước mắt trôi theo dòng nước.

 

Hàng ngàn ôtô nối đuôi nhau gần 5km do tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua Đà Nẵng -Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục đoàn tàu và gần 1 vạn hành khách bị kẹt lại do hầm đường sắt qua đèo Hải Vân bị lấp kín. Hàng chục ngàn người dân trắng tay. Nước lũ hòa với nước mắt!

 

Thương lắm miền Trung! - 1

Những gì lũ để lại. (Ảnh: Hoàng Quân)

 

Toàn Đảng, toàn dân đang hướng về miền Trung với tấm lòng thơm thảo, ấm nghĩa tình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo kêu gọi các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương cùng nhân dân gắng sức vượt qua cơn lũ, khắc phục hậu quả. Những chuyến hàng cứu trợ nặng tình người đã và đang trên đường đến với bà con vùng lũ.

 

Nhớ lại cơn lũ lịch sử năm 1999. Lũ đi qua, những gì còn lại chỉ là một màu tiêu điều, xơ xác, đau thương. Cơn lũ vừa qua lại vượt đỉnh của lũ lịch sử năm 1999. Không khó để hiểu nỗi mất mát, đau thương của người dân nơi đây.

 

Xơ xác Quảng Thành

 

Ngày 15/11, khi mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế đang xuống chậm, chúng tôi đã lặn lội về vùng “rốn lũ” Quảng Thành, một trong những xã bị ngập sâu và thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Cảm nhận đầu tiên ở Quảng Thành là dân đói, khát và rét. Quảng Thành hiện ra như một biển nước cuồn cuộn chảy, những ngôi nhà nhỏ bé run lên bần bật trước thiên nhiên hung tợn. Anh Đạt mắt trũng sâu sau nhiều đêm thức trắng chạy lũ, tay run run cầm gói mỳ tôm vừa được cấp phát: “Đói lắm anh à, đã 3-4 ngày không một hạt cơm vào bụng”. Chị Mùi vợ anh ngồi bất động trên sàn nhà, giọng tuyệt vọng: “Nước lên nhanh, lúa không kịp chuyển, ướt sạch rồi, sau lũ không biết lấy gì mà sống”.

 

Thương lắm miền Trung! - 2

Dân nỗ lực khắc phục những hậu quả sau lũ. (Ảnh: Hoàng Quân)

 

Chị Mai vẫn chưa hết bàng hoàng trước sức tàn phá của cơn lũ. Khuôn mặt phờ phạc, những nếp nhăn xô hàng nước mắt: “Đồ đạc trong nhà bị nước lũ cuốn trôi hết, số lúa ít ỏi cũng bị nước ngập lâu ngày. Chừ thì có mấy gói mì tôm xã cho, nhưng sau này sống bằng chi?”.

 

Lũ tràn về ngập hết các giếng ăn trong xã. Môi trường vệ sinh không đảm bảo, dịch bệnh hoành hành; bao nhiêu gia súc gia cầm đều lăn ra chết cả. Bao nhiêu chất thải độc hại cũng đã tràn vào giếng nước. Không chỉ đói, người dân nơi đây đang khát nước sạch nghiêm trọng.

 

Ông Hà, một người dân, cho biết đã đói còn khát, nhiều lúc ông múc nước lũ uống bừa. Ông Quách Nhơn, Chủ tịch xã cho biết, xã đã tiến hành cứu trợ khẩn cấp hơn 2 tấn mì tôm nhưng không có chất đốt, không có nước sạch nên người dân phải ăn mì sống. “Xã đã cố gắng hết sức nhưng vì thiệt hại do lũ gây ra quá nặng nề nên cũng chưa thấm tháp gì”, ông than thở.

 

Hiện tại người Quảng Thành chỉ mong no bụng mà chống lũ. Nhưng còn tương lai sẽ ra sao, khi gần 70ha rau sạch của xã đã bị mất trắng, hàng trăm lồng cá đã bị nước lũ cuốn phăng?

 

Hoàng Văn Quân - Trần Nghệ