Về lại Bình Minh sau cơn bão dữ

(Dân trí) - Chỉ hai tuần sau khi Dân trí phát động chương trình <a href="http://dantri.com.vn/tamlongnhanai/2006/5/120451.vip">“Hãy cho em một mái ấm”,</a> nhóm phóng viên thực hiện loạt bài về cơn bão Chanchu đã trở lại “làng cát” Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam với trọng trách: làm chiếc cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm với gia đình có thân nhân bị nạn.

Sau đợt cứu trợ trực tiếp lần thứ nhất, chuyến đi này càng mang một ý nghĩa đặc biệt với chúng tôi. Trở lại nơi mà chỉ chưa đầy một tháng trước đây, chúng tôi đã có “duyên nợ” với người dân nơi đây qua những bài viết của mình. Hiệu quả từ một số bài báo nhỏ khi đó đã thành những món quà tinh thần vô giá với nhiều gia đình nơi “làng cát” xác xơ, trắng xoá khăn tang sau cơn bão.

 

Vuốt nước mắt làm lại từ đầu

 

“Thì biết mần răng chừ. Nhà nước lo cho dân một phần, còn nữa, tụi tui phải tự lo chớ, chị Sao thôn Hà Bình nói, không còn đàn ông đi biển, tôi sẽ chạy chợ. Bằng giá mô cũng phải nuôi các con khôn lớn. Phải sống đã!”. Chị Nguyệt, thôn Bình Tịnh, chồng mất tích không tìm thấy xác, một nách năm đứa con thơ, khăn tang trắng cả một góc xóm, nghẹn ngào nói: “Trời ơi, mần răng chi nữa, một mình tui thôi, anh ấy chết rồi, một mình tui phải vuốt nước mắt mà lo cho mấy đứa nhỏ thôi chứ mần răng chừ”.

 

Nghe đến đây, bà nội của mấy đứa nhỏ đi vội từ góc nhà, một tay run rẩy đặt lên vai chị Nguyệt, bàn tay kia cứ vuốt vội những giọt nước mắt cứ không ngừng rơi xuống, lã chã. “Mần được, mần được con ơi...”.

 

Nhìn năm mái đầu chít vành khăn tang, chúng tôi nghĩ đến chặng đường dài trước mặt. Biết có bàn tay nào dìu các em đi suốt quãng đời thơ dại, để một ngày kia cả năm anh chị em đủ tự tin vượt qua nỗi đau hôm nay, tự tin bước tới hòa nhập với cuộc đời?

 

Khi ấy và cả bây giờ, những con người đó đang phải vuốt vội những giọt nước mắt lăn dài, để làm lại từ đầu. Làm lại tất cả. Nhưng họ không hề đơn độc.

 

Chia sẻ cùng Bình Minh

 

Chú tên là V.M, 38 tuổi, chắc cũng hơn kém người cha thân yêu của cháu một vài tuổi gì đó thôi. Đọc tin báo Dân trí viết về hoàn cảnh hiện tại của cháu, chú muốn sẻ chia những mất mát mà cháu vừa trải qua. Và điều chú muốn nhất lúc này ở Công Hiếu là bằng mọi giá phải quên đi những mất mát, đau đớn vừa qua để tiếp tục học tập…

 

Chú đang sống cùng mẹ già 80 tuổi và con nhỏ 6 tuổi. Cuộc sống gia đình không khá giả gì. Nhưng với tất cả tấm lòng của mình, chú mong cháu tới cùng sống và học tập tại gia đình chú…”

 

Đó chỉ là một trong số rất nhiều những lá thư mà gia đình Vương Công Hiếu (tổ 5, thôn Hà Bình) nhận được sau khi Dân trí phát động chương trình “Hãy cho em một mái ấm” và có bài viết về hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình em.

 

Về lại Bình Minh sau cơn bão dữ - 1

Gia đình em Vương Công Hiếu rất đỗi xúc động trước tấm lòng của bạn đọc.

Chị Nguyễn Thị Điền, mẹ Vương Công Hiếu vừa rưng rưng nước mắt vừa lật giở từng trang thư bạn đọc từ khắp nơi gửi về cho Hiếu. “Tôi đã khóc trước tình cảm của những tấm lòng hảo tâm. Răng cuộc sống có nhiều người tốt rứa chú hỉ? Thiệt tình với chú, nhà nghèo giống như người đi đường vác nặng vậy. Thêm một cọng cỏ cũng đã thấy nặng trĩu vai rồi. Chừ nhận từng ấy tình cảm của bao người, là bớt đi bao cọng cỏ rồi. Thực không biết lấy gì đền đáp.

 

Còn chuyện cho em Hiếu đi xa thì gia đình không muốn. Ba nó mất rồi, chừ mất thêm người nữa, sao đành. Cách đây mấy hôm, Làng Hy vọng ở thành phố Đà Nẵng có vào và đề nghị được thay gia đình nuôi ăn, nuôi học Hiếu... Dù sao cũng được gần nhà, gần mẹ, gần các em… Đến giờ mọi thủ tục nhập làng đã xong, đầu tháng sau Hiếu sẽ vô Đà Nẵng”.

 

Ngày mai, 18/6, đại diện báo Dân trí tại Đà Nẵng sẽ kết hợp cùng đại diện nhóm du học sinh ở Hungary trao 7 suất học bổng cho các em nhỏ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Chúng tôi ghé lại gia đình thuyền nhân Trần Đình Hùng giữa buổi trưa nóng như đổ lửa. Tất cả lặng im. Lặng đến mức có thể nghe rõ tiếng gió biển hù qua tán cây hiu hắt trước sân nhà. Cả Trần Viết Tài, Trần Viết Nga, Trần Thị Hiền, Trần Thị Hà, Trần Viết Vương, Trần Thị Yến đang nằm còng queo trên nền nhà xi măng. Phía trên là bàn thờ người cha Trần Đình Hùng nghi ngút khói hương. Nắng dội vào nhà hầm hập. Nhưng rồi những phút giây xúc động của ngày gặp lại cũng đến, khiến chúng tôi và những người trong gia đình bật khóc.

 

Câu chuyện cho ngày gặp lại không còn những lời than thân trách phận, chỉ còn là những nỗi đau đã nhẹ bớt, những dự tính cho tương lai mai sau của gia đình và các em thơ. Chị Hoàng Thị Nguyệt ngậm ngùi nói: “Ước mơ bao năm của ảnh là nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn, dù vất vả thế nào cũng chấp nhận. Khi nghe tin ảnh mất, tôi không hôm nào ngủ yên vì lo cho mẹ già, cho con nhỏ.

 

Cách đây mấy hôm có anh Minh ở Nam Định đã viết thư cho gia đình, tha thiết mong được đón Tài ra ăn học tại gia đình ảnh. Nhà cũng suy đi tính kỹ rồi, chừ Tài là anh cả, nó đi thì ai phụ bà, phụ mẹ chăm các em. Thôi thì dù khó đến mấy, gia đình cũng ráng cho Tài học hành.

 

Tài đã viết thư cảm ơn chú và xin hứa với chú, sẽ học thật giỏi, để không phụ tấm lòng của chú và bao cô bác đã quan tâm đến gia đình. Sự quan tâm của mọi người đã mang đến cho các cháu niềm tin rất lớn về cuộc sống”.

 

*    *     *

 

Chúng tôi rời “làng cát” trong cơn mưa và cát quật rát mặt nhưng lòng ai cũng như thấy ấm lại. Thêm một lần, thêm ngàn lần, chúng tôi, những người thực hiện chương trình “Hãy cho em một mái ấm” xin cảm ơn những tấm lòng nhân hậu của các cơ quan, đơn vị, các cá nhân khắp các miền quê đang dõi về miền Trung, đang giúp ngư dân miền Trung vượt thương đau và khó khăn, hoà nhập cộng đồng. 

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Xuân Tân, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết sau khi báo Dân trí phát động chương trình “Hãy cho em một mái ấm”, Làng Hy vọng ở thành phố Đà Nẵng đã về xã, đề nghị được nuôi dạy 14 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, còn rất nhiều đơn vị, cá nhân đã liên hệ trực tiếp bằng thư với các gia đình xin được bảo trợ, cấp học bổng với mong muốn các em tiếp tục được đến trường.

 

Xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn được các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận bảo trợ, nuôi dưỡng nếu gia đình các em đồng ý.

 

Chị Trần Thị Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: “Trong lúc đau thương này, bạn đọc báo Dân trí kịp thời sẻ chia bằng chương trình “Hãy cho em một mái ấm” cho con em ngư dân gặp nạn mang một ý nghĩa thiết thực. Trước nỗi đau tang tóc này, cái lo lớn nhất của chúng tôi là tương lai ngày mai của hàng trăm đứa trẻ mồ côi.

 

Cho tôi được gửi lời cảm ơn đến những tấm lòng của bạn đọc báo đã chắp cánh những ước mơ con em những người bị nạn… Nếu không có chương trình này, không biết cuộc sống ngày mai của các em, gia đình các em sẽ đi về đâu? Liệu rồi năm học tới các em có còn cơ hội để đến lớp không?”.

Phạm Phúc Hưng