Từ chương trình “Hãy cho các em một mái ấm”:
Em Kiều đã được đến trường
(Dân trí) - Chúng tôi trở lại thăm gia đình bác Nguyễn Xuân Hy và em <a href="http://www5.dantri.com.vn/tamlongnhanai/2006/7/128529.vip">Trần Thị Kiều </a>khi cả nhà đang chộn rộn việc chuẩn bị cho Kiều bước vào năm học mới. Mỗi người lo một việc: người mua sách, bút, người mua ba lô... Kiều cười hớn hở: “Vậy là con sắp được đến trường rồi”.
Ước mơ được chắp cánh
Cơn bão Chanchu quét ngang con đường đến trường vốn đã lắm chông gai của hàng trăm đứa trẻ ở xã Bình Minh. Chuyện sách đèn ở đây vốn chỉ trông chờ vào những chuyến biển của cha, anh chúng. Nhớ lại ngày còn lặn lội trong vùng đất Quảng Nam nắng gió, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh - ông Cao Xuân Tân nắm lấy tay chúng tôi mà nghẹn ngào: "Cái chữ ở vùng cát quý lắm chú à. Bao đời cha anh bám biển chỉ mong cho con được cái chữ mà thoát cảnh bấp bênh, nhưng cũng đã được đâu. Số em học đại học chỉ đếm trên tay. Tương lai các em chính là tương lai của xã ni chứ phải chơi đâu. Ngay bây chừ, cùng với việc lo hậu sự cho các nạn nhân, chúng tôi đang tính đủ cách để kêu gọi giúp đỡ hầu hết các em tiếp tục đến trường".
Chung tay cùng cả nước, ngay khi đó báo Khuyến học & Dân trí đã có đợt phát động: Hãy cho em một mái ấm. Và một trong những bạn đọc đầu tiên tìm đến với chúng tôi là gia đình bác Đỗ Xuân Hy (phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội).
Những cuộc gặp gỡ qua điện thoại giữa Hà Nội - Đà Nẵng, trong âm thanh chập chờn của sóng điện thoại nhưng chúng tôi vẫn có thể nhận ra những khắc khoải lo âu và nghẹn ngào của một người ở xa Bình Minh, xa miền Trung cả ngàn cây số đang hướng về em Trần Thị Kiều - đang ngày đêm mong ngóng về con đường học tập của em.
"Đã mấy ngày nay cả nhà tất bật chuẩn bị cho ngày đi học của Kiều. Đến giờ mọi việc chuẩn bị đã hòm hòm vì sách vở cũng đã được mang ra từ Quảng Nam. Kiều và cả gia đình đang sống những ngày rất vui".
Cô giáo Ngô Thị Hiên chủ nhiệm lớp 8E trường THCS Láng Thượng nơi dang rộng vòng tay yêu thương đón em Kiều xúc động tâm sự với chúng tôi: "Ngày đăng ký nhập học, các thầy cô giáo trong trường không dám tin đấy là em Kiều vì trước đó đã đọc thông tin về Kiều trên Dân trí, biết em lên lớp 8 nhưng không ai ngờ Kiều lại nhỏ thế.
Ngay khi nhận được đơn xin nhập học của Kiều, trường đã tạo mọi điều kiện để việc học tập hoà nhập với các bạn của Kiều được suôn sẻ, giúp em mau chóng vượt qua nỗi đau gia đình. Lúc đầu trường xếp em vào lớp 8C nhưng vì thấy lớp đó nhiều học sinh nam, có lẽ phần nào sẽ không thuận lợi cho Kiều nên tôi quyết định xin về lớp tôi chủ nhiệm. Lớp có nhiều học sinh nữ, đặc biệt cũng có 4 em có cùng hoàn cảnh sớm mồ côi cha như Kiều. Và cũng như mong muốn của thầy cô giáo trong trường, em đã hoà nhập rất tốt với các bạn".
Niềm vui sum họp
"Cô bé rất mê vẽ. Suốt ngày ngồi tô tô, vẽ vẽ. Nhiều khi nhắc bé đi ngủ cho sớm mà nó đâu có chịu nghe...", bác Hy vừa cười vừa trách yêu khi Kiều cười như nắc nẻ khi nghe mọi người nhắc đến cái tật ham vẽ của mình.
Trong thế giới sắc màu, mọi thứ đều hiện lên khá lạ mắt. Cảnh làng quê thanh bình; cảnh lớp học với cô giáo hiền và những học trò ngộ nghĩnh; có một cô bé ngồi tròn to đôi mắt với những ước mơ, những chiếc lá xanh nhưng không có cuống... Bác Hy lại lặng lẽ cầm lấy tay vẽ của Kiều và nhắc: "Con phải nhớ này, cây có cội có cành, đừng nên vẽ thiếu như thế". "Nhưng bà ơi con đâu biết vẽ cuống lá thế nào", Kiều phân bua. "Đây con phải vẽ thế này...". Chậm dần, từng nét vẽ in trên trang giấy trắng trong ánh mắt ngời ngời sung sướng của Kiều.
Điều mà chúng tôi và gia đình bác Hy lo ngại nhất khi đón Kiều ra Hà Nội là sức khoẻ và tâm lý của bé. Ngày đưa Kiều đến trường xin nhập học, nhìn những bước đi tự tin của em, chúng tôi hiểu: mình đã yên tâm được phần nào. Còn về chuyện học hành, môi trường học tập, liệu em có đủ tự tin để bước theo các bạn. "Thực tế là lực học của Kiều có hơi sút so với các bạn. Ban đầu gia đình cũng hơi lo, nhưng giờ thì đã đỡ lo hơn. Nhà trường, và đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm đã rất tích cực trong việc giúp đỡ phụ đạo cho Kiều. Kiều cũng là một đứa trẻ nhanh nhẹn. Gia đình tin em sẽ tiến bộ nhanh trong thời gian tới".
Cùng chung tâm sự với bác Hy là những lời tâm tình chân thành của cô giáo Hiên: "Mấy ngày qua tôi cũng đón Kiều về nhà, vừa để phụ đạo chuyện học cho em, vừa để em có thêm niềm vui sum họp của gia đình. Biết rằng sẽ chẳng thể thay thế được mẹ của em nhưng với trách nhiệm là cô giáo chủ nhiệm của em, cũng là người hiểu được đôi chút gia cảnh của Kiều, tôi và gia đình bác Hy sẽ cùng nhau giúp đỡ bao bọc em nên người".
Phạm Phúc Hưng