1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huyền thoại An ninh T4:

Vào hang cọp bắt hổ quy hàng!

(Dân trí) - Điệp báo An ninh T4 “nằm vùng” trong sào huyệt địch, cung cấp về những thông tin chuẩn xác để cách mạng có phương án tác chiến phù hợp. Lực lượng Trinh sát vũ trang khéo léo giáng cho địch những đòn chí mạng, tiêu diệt những tên Việt gian đầu sỏ… khiến địch hoang mang, lo sợ.

Khác với khối An ninh võ trang chuyên hoạt động ở nông thôn và vùng ven, địa bàn hoạt động của Trinh sát vũ trang – An ninh T4 là nội đô Sài Gòn – Gia Định. Khi ấy, trừ một bộ phận nhỏ (lãnh đạo, hậu cần) đứng chân ở vùng giải phóng, hầu hết cán bộ chiến sĩ trinh sát vũ trang đều vào sống, chiến đấu trong vùng địch kiểm soát. Do phải sống trong “hang cọp” nên các chiến sĩ phải tự tạo thế hợp pháp bằng việc có giấy tờ hợp lệ, sinh hoạt bình thường, khéo léo đóng nhiều vai từ giáo viên, sinh viên, học sinh cho đến người đạp xích lô, cắt tóc, bán hàng rong. Thậm chí, có chiến sĩ giả làm công chức, cảnh sát hay lính ngụy để có thể di chuyển trên mọi nẻo đường trong thành phố, tiếp cận mục tiêu.

Vào hang cọp bắt hổ quy hàng!

Tháng 3/1961, Ban bảo vệ An ninh khu Sài Gòn – Gia Định (An ninh T4) được thành lập đã phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương chống càn quét, luồn sâu vào các ấp chiến lược, tham gia hoạt động trừ gian, diệt ác, bám đất bám dân, đào hầm bí mật ngay trong các ấp chiến lược… Ảnh: Cán bộ chiến sĩ An ninh T4 đào địa đạo phục vụ cho công tác chiến đấu và bảo vệ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, năm 1962.

Kế hoạch tiêu diệt tên Việt gian đầu sỏ

Sau khi lật đổ và giết chết Ngô Đình Diệm (ngày 2/11/2963), Mỹ chủ trương quân sự hóa Chính quyền Việt Nam cộng hòa để đẩy mạnh các nỗ lực chiến tranh. Mỹ lần lượt đưa một số tướng như Dương Văn Minh (1963-1964), Nguyễn Khánh (1964-1965), Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ (từ 1965 trở đi) lên cầm quyền ở Sài Gòn.

Tuy cùng làm tay sai cho Mỹ nhưng phe dân sự và quân sự thường đấu đá với nhau. Nhận thấy mối nguy từ mâu thuẫn này, Mỹ lập Hội đồng Quân Dân (5/7/1966) nhằm hòa giải hai phe và dựng Trần Văn Văn – một Việt gian khét tiếng làm chủ tịch. Trong bối cảnh đó, Ban An ninh T4 chỉ thị cho trinh sát vũ trang diệt Trần Văn Văn để loại bỏ một con bài đang được Mỹ nuôi dưỡng và có khả năng tiến cử làm Tổng thống.

Sáng 7/12/1966, trinh sát võ trang Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh) và Võ Văn Em (Tám Hùng) diệt gọn Trần Văn Văn tại ngã ba Phan Kế Bính – Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Văn chết, dư luận bàn tán xôn xao cho đây là cuộc thanh toán nội bộ. Vợ của Văn cũng tin rằng chồng mình bị phe quân sự sát hại nên viết thư yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu trả tự do cho trinh sát Võ Văn Em.

Sau chiến thắng trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng tiến công – tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, trinh sát vũ trang được Thành ủy (Phân khu 6), lực lượng vũ trang An ninh T4 còn gây cho địch nhiều phen choáng váng khi gây ra những vụ tấn công chớp nhoáng vào biệt thự của Nguyễn Văn Thiệu, chắn đánh tướng Nguyễn Văn Kiểm, tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống tại ngã tư Bà Huyện Thanh Quan – Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ).

Một góc Tổng nha Cảnh sát Đô thành bị chiến sĩ An ninh T4 đánh sập năm 1968.

Một góc Tổng nha Cảnh sát Đô thành bị chiến sĩ An ninh T4 đánh sập năm 1968.

Đáng chú ý nhất trong những chiến công oanh liệt đó chính là kế hoạch tiêu diệt Trần Văn Hương, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn.

Trần Văn Hương là đối tượng chống phá cách mạng kịch liệt, từng 2 lần làm thủ tướng (1964-1965 và 1968-1969) sau đó làm phó tổng thống (1971-1975) rồi tổng thống (4/1975). Trung ương Cục miền Nam chỉ thị An ninh T4 phải diệt tên Việt gian đầu sỏ này.

Các trinh sát Nguyễn Công Tâm (Ba Hiệp), Nguyễn Văn Lệnh (Tư Hổ) chỉ huy trưởng và chỉ huy phó đã lên phương án chiến đấu: Khi xe chở Hương chạy đến ngã ba Nguyễn Du – Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng), trinh sát Lê Việt Bình (Hai Đường) đóng vai người chạy xích lô sẽ đẩy chiếc xích lô ra đường cho nổ trái mìn định hướng (chứa 25kg chất nổ C4) đặt trong nệm tựa lưng xích lô. Trong khi đó, trinh sát Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh) và Chín Tợn cho nổ 2 quả mìn 2kg ở 2 vị trí khác nhau nhằm đánh lạc hướng, phân tán địch, còn Nguyễn Văn Cạn (Út Cạn) dùng súng Colt 45 bắn yểm trợ cho Hai Đường rút lui.

Sau 3 ngày “bày binh bố trận” nhưng xe của Hương không đi qua. Ngày 5/3/1969, xe của Hương xuất hiện. Ta đánh theo phương án đã định nhưng cả 3 quả mìn đều không nổ. Trận đánh không thành, Hai Đường, Út Cạn bị bắt nhưng hành động của các trinh sát đã gây tiếng vang lớn. Báo đài trong nước và quốc tế bình luận: Đoàn xe của Thủ tướng được hộ tống rất hùng hậu thế mà vẫn bị chặn đánh khi mới ra khỏi Dinh Thủ tướng (trên đường Thống Nhất nay là Lê Duẩn, gần Sở thú Sài Gòn) vài trăm mét.

Trinh sát tóc dài

Trong 2 năm 1970 – 1971, trinh sát vũ trang được lệnh diệt cảnh sát và mật vụ để tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đô thị, đặc biệt là của thanh niên, sinh viên, học sinh.

Nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch không chỉ có các chiến sĩ nam mà nữ trinh sát cũng vào cuộc quyết liệt. Các chị đã khéo léo cải trang, bám sát hàng ngũ quân địch để giáng những đòn bất ngờ.

Trưa một ngày trong tháng 2/1970, nữ trinh sát vũ trang Triệu Thị Hồng Loan (con của một thiếu tá cảnh sát chính quyền Sài Gòn) đưa xe Honda có chứa chất nổ C4 vào bãi đậu xe của Tổng nha Cảnh sát quốc gia trên đường Nguyễn Cảnh Chân. Lúc 11h40, khi đông đảo cảnh sát có mặt trong bãi xe, quả mìn 4kg C4 trên xe Honda phát nổ khiến 23 tên chết, 54 tên bị thương, hơn 100 xe cháy rực.

Một góc Tổng nha Cảnh sát Đô thành bị chiến sĩ An ninh T4 đánh sập năm 1968.

Chiếc xe chở Nguyễn Văn Bông - một trong những kẻ chống Cộng khét tiếng - bị trinh sát vũ trang An ninh T4 đánh cháy và tiêu diệt ngày 10/11/1971

Bốn tháng sau, nữ trinh sát Nguyễn Thị Mến (Năm Mến) lại đặt chất nổ có kíp định giờ (nghi trang trong thùng đựng rác) ở cổng sau của Tổng nha Cảnh sát quốc gia gần ngã ba Nguyễn Trãi – Phát Diệm (nay là Trần Đình Xu), diệt và làm bị thương 18 cảnh sát.

Tiếp đó, trong tháng 4/1971, nữ trinh sát Năm Mến tiếp tục 2 lần làm khuynh đảo lực lượng cảnh sát quốc gia. Lần đầu, chị dùng quả mìn 5kg diệt và làm bị thương 20 cảnh sát dã chiến của trại A-mắc đang tụ tập ở quán ăn trước trại (góc Nguyễn Kim – Trần Quốc Toản, nay là Ba Tháng Hai). Lần sau, chị cũng dùng chất nổ diệt và làm bị thương 25 cảnh sát đặc biệt của Ty cảnh sát Gia Định trong quán ăn đối diện bót Hàng Keo trên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu).

Những trận đánh tiêu diệt Trần Quốc Bửu – Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam kiêm Chủ tịch đảng Công Nông Việt Nam và Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chính, Chủ tịch phong trào quốc gia cấp tiến… đã khiến cho nội bộ chính quyền Sài Gòn nghi kỵ nhau. Những trận đánh quyết định này đã làm xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công của chúng ta đi đến thắng lợi.

(Còn tiếp)

Ngô Công Quang