Huyền thoại An ninh T4:

Những “chú Lượm” giữa nội đô Sài Gòn

(Dân trí) - Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lực lượng An ninh T4 đã đóng góp nhiều chiến công. Những trận đánh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đều có dấu ấn lớn của lực lượng An ninh T4, góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng “Quốc gia tự vệ cuộc” được tổ chức lại và mang tên mới là “Công an đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn”. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, một bộ phận công an đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn tập kết ra miền Bắc, còn phần lớn cán bộ, chiến sĩ ở lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cấp ủy, bảo vệ các tổ chức cách mạng và xây dựng thế trận mới, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới đầy gian nan, thử thách. Trong tình hình cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam nói chung, thành phố Sài Gòn – Gia Định nói riêng lúc đó, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định đổi tên “Công an đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn” thành “An ninh T4”, tiền thân của Công an TPHCM hiện nay.

Những “chú Lượm” giữa nội đô Sài Gòn

Đồng chí Phan Ngọc Đoàn (Chín Hà – người ngồi giữa) là giao liên An ninh T4, người mang mật lệnh Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Đòn bánh tét chứa… chất nổ

Mạng lưới tổ chức của An ninh T4 gồm: Điệp báo, trinh sát vũ trang, an ninh khu vực, an ninh vũ trang… Trong mạng lưới An ninh T4, một bộ phận chiến sĩ tuy âm thầm lặng lẽ nhưng có vị trí quan trọng và hết sức thiết thực đó là lực lượng giao liên, thông tin liên lạc. Họ được ví như những “chú Lượm” bền bỉ, khôn khéo và kiên trung.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, lực lượng giao liên T4 có nhiệm vụ liên lạc móc nối đưa rước cán bộ từ ngoài căn cứ vào thành và ngược lại, chuyển công văn, mệnh lệnh của Lãnh đạo Ban An ninh T4 đến từng bộ phận công tác, vận chuyển vũ khí, đạn dược vào nội thành cho các lực lượng nghiệp vụ đánh địch…

Thời kỳ này, ta không dùng điện đài mật mã mà đường dây giao liên do các chiến sĩ đảm nhiệm. Âm mưu của địch cũng rất xảo quyệt. Nếu phát hiện giao liên của ta đi vào vùng nào đó thì chúng chặn lại xét rồi để cho đi qua, đồng thời giao lại bọn khác đi theo dõi đến cùng để tìm cho được đầu mối của ta. Vì vậy, giao liên của ta luôn nâng cao cảnh giác, đánh lạc hướng, khi mang tài liệu đến địa điểm, khi quay về thì đi đường khác…

Để chuẩn bị cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa Xuân 1968, lực lượng giao liên có nhiệm vụ chuyển vũ khí vào nội thành. Các trạm giao liên của điệp báo, trinh sát vũ trang dọc theo quốc lộ 1 ở Sở Cốt, Suối Cụt, Suối Trâu dùng xe lam của cơ sở và quần chúng chở súng đạn vào nội thành bên trên chất đầy rau quả để nghi trang. Chất nổ C4, TNT được gói trong những đòn bánh tét, súng đạn được gói kỹ trong thùng đựng hèm rượu. Chúng ta còn sử dụng xe jeep mang biển số quân đội, cơ sở ta đóng vai sĩ quan ngụy, lợi dụng lúc nhá nhem tối vượt qua các trạm gác.

Bằng nhiều nẻo đường, nhiều loại phương tiện, anh chị em giao liên đã linh hoạt sáng tạo, nghi trang bằng nhiều kiểu, nhiều cách để tập kết vũ khí vào nội thành, đảm bảo che giấu an toàn.

Những “chú Lượm” giữa nội đô Sài Gòn

Chiếc xe Lam biển số BX.FA-0793 chuyên chở vũ khí, thuốc nổ vào nội đô Sài Gòn phục vụ công tác chiến đấu của An ninh T4, năm 1968

Những nữ giao liên can đảm

Tại hội thảo khoa học “Vai trò của lực lượng Công an Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng  dân tộc, xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” vừa diễn ra tại TPHCM, Thiếu tướng, TS Đỗ Văn Thuyết, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo tổng kết lịch sử - Bộ Công an đã kể về những nữ giao liên T4 với niềm thán phục, tự hào. Đó là những chị Phan Thị Ngọc Đoàn (Chín Hà), tổ trưởng giao liên của tiểu ban điệp báo, chị Lê Thị Trung…

Chị Chín Hà lo tất tần tật chuyện ăn ngủ, đi lại, vận chuyển vũ khí, chất nổ cho các chiến sĩ. Mỗi tình huống, chị phải chọn một vai thích hợp. Có khi chị là nữ sinh, khi thì là gái đi thăm chồng từ Cần Thơ về Sài Gòn để đi nhờ xe lính trong dịp đảo chính anh em Diệm – Nhu, lúc lại là người buôn bán rong trên các con đường, ngõ hẻm của nội thành Sài Gòn hoặc là nông dân, thợ máy…

Nhiều bọn đầu hàng, phản bội đứng ở các ngã tư chỉ điểm để bắt bớ cán bộ nằm vùng. Chị Chín Hà đã tìm hiểu kỹ quy luật đi lại, hoạt động của chúng và khéo léo hóa trang nên luôn qua mặt được bọn địch.

Trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, từ căn cứ Củ Chi, chị Chín Hà đã vượt qua nhiều vòng kiểm soát gắt gao của cảnh sát ngụy để về căn cứ An ninh T4 nhận nhiệm vụ: “Nhận mật lệnh từ đồng chí Nguyễn Tài – Thường vụ Khu ủy, Trưởng Ban An ninh T4, truyền đạt vào nội thành, nổ súng vào giờ G”. Mật lệnh đã được chị Chín Hà giữ bí mật tuyệt đối đến giờ nổ súng.

Những “chú Lượm” giữa nội đô Sài Gòn

Đoàn xe thô sơ của lực lượng An ninh T4 vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Nữ giao liên điệp báo Chín Hà không chỉ giỏi vận chuyển, che giấu tài liệu mà còn có khả năng đặc biệt trong xây dựng mạng lưới điệp báo của mình. Trong thời gian hoạt động tại nội thành, Chín Hà đã tuyển chọn, xây dựng được 30 cơ sở điệp báo tin cậy.

“Vũ khí để trong yên và ruột xe hon da rồi vận chuyển vào nội thành. Súng K59 chị gói vào đòn bánh tét. Trong mỗi gánh bánh thì một nửa số bánh giấu súng, số bánh còn lại khi qua đồn cho lính ăn để chúng không nghi ngờ. Vũ khí chị vận chuyển từng đoạn một, vào nội thành thì thuê ba gác, xích lô máy chở qua trạm buôn bán, về đến nhà phân tán ra…”, thiếu tướng Thuyết kể lại.

Nếu nữ giao liên Chín Hà có biệt tài cải trang, nhập vai thì nữ giao liên Lê Thị Trung thì có tài kết thân với lính địch. Trong di chuyển, có khi chị đi taxi, có khi đi xe đạp và thoắt ẩn thoắt hiện trong các con hẻm ngoằn ngoèo. Những lúc đường xa, đường khó đi, chị khéo léo làm quen với lính quân cảnh rồi nhờ họ chở trên xe, vừa nhanh chóng, vừa bảo đảm an toàn.

Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mặc dù điều kiện địa hình phức tạp, ta và địch ở thế cài răng lược, nhưng nhờ có mạng lưới giao thông liên lạc phát triển rộng nên việc giao nhận thư, thông tin liên lạc được thông suốt. Nhờ đó, sự chỉ đạo, lãnh đạo cuộc kháng chiến được nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

(còn tiếp)

Ngô Công Quang