1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng:

Vẫn còn sở, ngành ngại báo chí, ngại cung cấp thông tin

(Dân trí) - Theo Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng, trong công tác báo chí, vẫn còn tình trạng một số sở, ngành, đơn vị ngại báo chí, ngại cung cấp thông tin, báo cáo xử lý thông tin do báo chí nêu không kịp thời, không đầy đủ.

Ngày 17/1, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Dịp này, Ban Tổ chức đã tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2019.

Vẫn còn sở, ngành ngại báo chí, ngại cung cấp thông tin - 1

Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Kỳ Minh trao bằng khen các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí ở Đà Nẵng năm 2019

Theo Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng, năm 2019, công tác chỉ đạo, định hướng thông tin được thực hiện thường xuyên, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, khá kịp thời, góp phần cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời, kịp thời nhắc nhở, kiến nghị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương xử lý các trường hợp sai phạm, chưa tuân thủ đúng các chỉ đạo, định hướng, quy định pháp luật về báo chí.

Vẫn còn sở, ngành ngại báo chí, ngại cung cấp thông tin - 2

Nhiều báo cáo tham luận, trao đổi về công tác báo chí được trình bày tại Hội nghị

Khoảng 120.000 thông tin, bài báo về Đà Nẵng trong năm 2019 phản ánh hầu hết các mặt, lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống người dân thành phố. Trong đó, báo chí đã góp phần tuyên truyền, thông tin đậm nét nội dung, chủ trương Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị ban hành năm 2019 dành cho Đà Nẵng; các sự kiện lớn, các chủ đề, chủ điểm lớn của thành phố, đất nước, như: “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”; chương trình “Thành phố 4 an”...

Năm 2019,  Đà Nẵng có một số vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm như vụ Phan Văn Anh Vũ với các sai phạm trong mua bán nhà đất công sản; Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex); Đà Nẵng thay đổi quy định trong kỳ thi tuyển lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020; tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Bãi rác Khánh Sơn...

Hầu hết các báo, đài đã vào cuộc, cung cấp thông tin đa chiều, khách quan về các sự việc, phản ánh nhanh, kịp thời nhất các hoạt động của lãnh đạo thành phố trong việc xử lý các vấn đề trên. Đồng thời, phản bác lại các thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển của thành phố. 

Hội nghị cũng nhìn nhận trong công tác báo chí, một số sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện thật tốt cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Vẫn còn tình trạng ngại báo chí, ngại cung cấp thông tin, chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, thiếu quan tâm kiểm tra, xử lý thông tin trên báo chí.

Bên cạnh đó, tuy không nhiều song thông tin báo chí vẫn còn tình trạng phiến diện, không cân bằng, việc đặt tít bài đôi lúc chưa phù hợp. Vẫn còn một số phóng viên, nhà báo sử dụng trang mạng xã hội cá nhân thể hiện các quan điểm cá nhân mang tính phiến diện, đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, một chiều về một số vấn đề nhạy cảm, “nóng” của thành phố, gây dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến hình ảnh của Đà Nẵng.

Năm 2020, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã nêu. Đồng thời, tập trung đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng nội dung các tin, bài, phóng sự; không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc việc khai thác các đề tài liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, con người của thành phố.

Thông tin từ Hội nghị cho biết, Đà Nẵng hiện có 117 cơ quan báo, đài trung ương và địa phương. Trong đó, địa phương có 5 cơ quan báo chí với 135/182 người làm báo có thẻ nhà báo. 

Tâm An