Bắc Giang:
Vải thiều ra hoa nở rộ nhưng người dân bỏ bê chăm sóc
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại vừa qua tỷ lệ ra hoa và lộc sớm của vải trên toàn tỉnh “vựa vải” chỉ đạt 15-20%. Đến thời điểm này hoa vải thiều đã nở trắng vườn nhưng người dân lại bỏ bê chăm sóc. Vì sao?
Toàn tỉnh Bắc Giang có 39.835 ha trồng vải thiều, trong đó có 3.000 ha vải sớm. Riêng huyện Lục Ngạn là 20.000 ha trong đó có 600ha vải sớm, tuy nhiên hiện rất nhiều người dân Lục Ngạn đang bỏ bê vườn vải của mình.
Chị Hồ Thị Bân (xã Phượng Sơn, Lục Ngạn) cho biết: “Vải sớm bán được giá thì đã thất thu rồi, bây giờ chẳng ai dám vay tiền đầu tư cho vườn vải nữa. Chỉ tưới nước ấm cho cây thôi chứ không dám bón phân bởi gần 10.000 đồng/kg đạm. Vụ được mùa năm ngoái giá bán vải chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg nên người dân không mặn mà đầu tư cho vải nữa”.
Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… tăng cao vùn vụt từ sau tết cộng với tâm lí sợ vải được mùa mất giá như chị Bân cũng là tâm lý chung của nhiều người dân Lục Ngạn.
Anh Nguyễn Đình Hưng (xã Quý Sơn, Lục Ngạn) tâm sự: “Vải ra hoa nhiều nhưng cũng không dám mạo hiểm vì hiện nay giá vải chưa đi vào quĩ đạo ổn định có lợi cho người dân. Trồng vải không có lãi, cứ bấp bênh như mấy năm nay có lẽ tôi sẽ chuyển 2 mẫu đồi nhà mình sang trồng cây keo lai, bạch đàn”.
Câu chuyện buồn về đặc sản vải thiều được ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn lý giải: Từ sau Tết, giá cả của tất cả các mặt hàng tăng cao, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm,… khiến một bộ phận người dân “lơ là” chăm sóc cho cây vải, vốn là cây tạo nguồn thu chủ yếu của địa phương.
UBND huyện đã chỉ đạo người dân nên chuyển đổi những diện tích đất trồng vải ở đồi núi cao, có độ dốc lớn cho năng suất thấp sang trồng cây lâu năm như bạch đàn, keo cao sản. Để khắc phục tình trạng trên, huyện đã chỉ đạo huyện, xã nhắc nhở người dân chủ động tưới nước, bón phân và phun thuốc trừ sâu cho vải để đảm bảo đúng kỹ thuật và đạt năng xuất cao”.
Theo ông Đào Xuân Vinh, Phó phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Bắc Giang), hiện nay tỉnh đang phối hợp với Viện bảo vệ thực vật để xây dựng thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” giúp người dân tiêu thụ sản phẩm và khẳng định thương hiệu.
P.T.Kha
(K49 Báo chí, ĐH KHXH&NV)