1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ủy ban Tư pháp yêu cầu xem lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng

Báo Người Lao Động và bà Nguyễn Thị Kim Nga đã gửi nhiều đơn cho các cấp Trung ương đề nghị xem xét lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại. Phúc đáp của các cơ quan chức năng đã tiếp thêm niềm tin vào một ngày, vụ án sẽ sáng tỏ.

Liên quan đến vụ nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) bị sát hại, mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Hồng đã có văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu xem xét lại bản án, giải quyết theo đơn của bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ nhà báo Hoàng Hùng ). 

Đêm 19-1-2011, nhà báo Hoàng Hùng đang ngủ tại nhà riêng (TP Tân An, tỉnh Long An) thì bị phóng hỏa đốt cháy và tử vong. Ngày 20-2-2011, bà Trần Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng) đến công an tự thú là thủ phạm gây án. 

Kết luận của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An và cáo trạng của VKSND tỉnh Long An cho rằng vụ án không có đồng phạm; động cơ giết chồng của bà Liễu là do nhà báo Hoàng Hùng thường ghen tuông, đánh vợ dẫn đến mâu thuẫn gay gắt. 

Trước những nhận định thiếu thuyết phục của cơ quan tố tụng tỉnh Long An, Báo Người Lao Động đã có công văn gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tỉnh Long An đề nghị có ý kiến chỉ đạo, điều tra lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng một cách toàn diện, khách quan, tránh bỏ lọt tội phạm. Bà Nga cũng có đơn đề nghị các cơ quan nói trên giao vụ án cho Bộ Công an điều tra. Nhưng tất cả đều không có hồi âm.

 
Mẹ cố nhà báo Hoàng Hùng ký đơn gửi các cấp trung ương xin giám đốc thẩm vụ án
Bà Nguyễn Thị Kim Nga rất nhiều lần viết đơn gửi đến các cơ quan Trung ương đề nghị xem lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại.
 
Ngày 9-12-2011, Báo Người Lao Động tiếp tục gửi công văn đến Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét, chỉ đạo điều tra lại vụ án. Ngày 20-1-2012, báo nhận được công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chuyển văn bản nói trên đến Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, hai cấp xét xử ở TAND tỉnh Long An và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đều kết luận vụ án chỉ do Trần Thúy Liễu làm, không có đồng phạm; đồng thời phạt bị cáo tù chung thân về tội giết người.

Không đồng tình với bản án, bà Nga đã nhiều lần làm đơn xin giám đốc thẩm vụ án; đơn gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Trong đơn, bà Nga cho rằng cả hai cấp sơ và phúc thẩm chưa làm rõ động cơ gây án của bị cáo Trần Thúy Liễu.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ như: Chưa làm rõ nội dung hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn giữa bà Liễu với tình nhân là ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5 Chi cục QLTT tỉnh Long An) trước và sau khi xảy ra vụ án; lời sinh cung của Hoàng Hùng không được đưa vào hồ sơ vụ án, đến khi TAND tỉnh Long An yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ nội dung bản sinh cung mới được đưa vào hồ sơ nhưng lại cho rằng không liên quan đến vụ án; cách thức bà Liễu ném xăng; hiện trường ghi nhận có 2 điểm cháy nhưng các cơ quan tố tụng chỉ chấp nhận một mồi lửa…

Hy vọng, từ công văn của  Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao sẽ xem xét lại để có bản án giám đốc thẩm rõ ràng, thuyết phục, công bằng.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga rất nhiều lần viết đơn gửi đến các cơ quan Trung ương đề nghị xem lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại. 

Theo Minh Sơn - Tố Trâm

Người Lao động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm