Ưu tiên triển khai nhiều dự án giao thông kết nối TPHCM với miền Tây
(Dân trí) - Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh miền Tây thống nhất từ nay đến cuối năm 2025 sẽ ưu tiên làm 6 dự án giao thông kết nối, trong đó có việc mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương và quốc lộ 1.
Ngày 29/11, tại TP Cần Thơ, lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương.
Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh miền Tây từ tháng 3/2023 đến nay, định hướng hành động từ nay đến cuối năm 2025.
Báo cáo tại hội nghị, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết, kể từ khi có ký kết hợp tác, năm 2023 Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức thành công Hội nghị Kết nối cung - cầu tập trung giữa TPHCM và các tỉnh thành. 184 doanh nghiệp ở ĐBSCL đã tham gia, trưng bày 328 gian hàng đặc sản địa phương.
Sở Công Thương TPHCM cũng tổ chức đoàn doanh nghiệp, hệ thống phân phối chuyên nghiệp của thành phố đến kết nối, khảo sát sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh thành miền Tây. Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cũng tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, đặc sản của các địa phương.
Về công tác liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp du lịch - lữ hành tại TPHCM đã đưa hơn 5,7 triệu lượt khách về khu vực ĐBSCL trong năm qua.
Hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực y tế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đạt kết quả nhất định. TPHCM cũng đã hợp tác song phương, thúc đẩy thế mạnh từng tỉnh thành trong vùng ĐBSCL.
Chiều ngược lại, các tỉnh miền Tây đã điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết từ khi ký kết hợp tác, nông sản Bến Tre đã được đẩy mạnh tiêu thụ ở TPHCM, nhiều sản phẩm đã vào được kệ hàng các siêu thị lớn. Lượng khách du lịch từ TPHCM đến Bến Tre cũng tăng vượt mức trước dịch Covid-19.
Về định hướng hợp tác thời gian tới, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị TPHCM bố trí không gian để các tỉnh ĐBSCL quảng bá du lịch, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và xúc tiến đầu tư.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mong TPHCM và các tỉnh thành miền Tây phối hợp tốt hơn trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định, quá trình hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL thời gian qua đã có kết quả và hiệu quả, cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy.
Ông Mãi đồng tình với đề xuất tạo lập không gian ĐBSCL tại TPHCM. Đồng thời ông cũng để xuất tổ chức tuần lễ ĐBSCL tại TPHCM, để các tỉnh thành có điều kiện quảng bá toàn diện về địa phương mình.
Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, từ nay tới cuối năm 2025, việc hợp tác cần chú trọng nhất khâu kết nối hạ tầng, cần ưu tiên nguồn lực để làm trước.
"Từ nay tới cuối năm 2025 chúng ta phải cùng với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 50B, triển khai tuyến đường ven biển và đường biên giới", ông Mãi nói.
Ngoài ra, ông Mãi đề nghị trong năm tới cần tái khởi động xây dựng tuyến đường thủy nối TPHCM và ĐBSCL. Đồng thời phối hợp các bên, hoàn thiện pháp lý để khởi công dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ trước năm 2030.
Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan của TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham mưu kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.