Chuyển đổi xanh là chiến lược ưu tiên để miền Tây phát triển bền vững
(Dân trí) - Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số được coi là yêu cầu cấp bách, chiến lược ưu tiên hàng đầu để nông nghiệp miền Tây phát triển.
Ngày 16/11, tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức phiên toàn thể Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II năm 2024. Diễn đàn năm nay có chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển".
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng NN&PTNT - cho biết, ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm, chiếm 1/3 GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên đồng bằng đang đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, ông Nam cho rằng việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp xanh là vô cùng cấp bách, đặc biệt với việc xác định kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế toàn vùng.
Ông Nam nhắc lại cam kết của các tỉnh tại Diễn đàn Mekong Startup 2022 với chủ đề Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp. Sau sự kiện đến nay, nhiều mô hình canh tác như mô hình tôm lúa ở Cà Mau, đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải đã được triển khai, mang lại hiệu quả, thúc đẩy kinh tế.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định "chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và là chiến lược được ưu tiên hàng đầu".
Theo ông Nam, phát triển của khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin... ở ĐBSCL sẽ là cơ hội để thúc đẩy khởi nghiệp, tạo việc làm cho cộng đồng cư dân khu vực. Những dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái, logistics... cũng góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển trong tương lai.
Tại diễn đàn, ban tổ chức đã ra mắt và khởi động Mạng lưới Chuyển đổi Xanh Mekong. Đây là sáng kiến nhằm xây dựng cộng đồng kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức liên quan, nhằm thúc đẩy chia sẻ kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm.
Mạng lưới có trung tâm là ban cố vấn chuyên môn, ban thư ký và các nhóm nông nghiệp xanh, du lịch xanh, thanh niên xanh Mekong. Thành viên của mạng lưới là các lãnh đạo đoàn thanh niên các tỉnh thành trong khu vực, các chuyên gia kinh tế, môi trường trong nước và quốc tế, các lãnh đạo doanh nghiệp.
Mạng lưới hành động theo kế hoạch, họp định kỳ bán niên hoặc theo quý, phát hành các bản tin chuyên đề. Mục đích của mạng lưới là tìm kiếm, hỗ trợ các giải pháp xanh trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng thanh niên và khởi nghiệp.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sự ra mắt Mạng lưới Chuyển đổi Xanh Mekong là một trong những kết quả rõ ràng nhất của diễn đàn. Bộ trưởng nhận định mạng lưới là sáng kiến của sự hợp tác của hai khối công-tư nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại khu vực.
Ông Đạt đánh giá chủ đề diễn đàn năm nay thể hiện đúng khát vọng vươn mình của ĐBSCL.
Phát biểu kết thúc sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì và phát triển trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn.
Thông qua các hoạt động của Diễn đàn và Mạng lưới sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường, để hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Phiên toàn thể Diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần 2 năm 2024 được tổ chức ở Đồng Tháp trong 2 ngày 15-16/11, với chủ đề "Kinh tế xanh- Động lực mới cho phát triển".
Diễn đàn do tỉnh Đồng Tháp tổ chức, có các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư, chuyên gia trong, ngoài nước với doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Diễn đàn Mekong Startup lần thứ nhất đã được tỉnh Đồng Tháp tổ chức năm 2022. Tại đây, các tỉnh ĐBSCL đã cam kết thúc đẩy mục tiêu giảm 30% tổng lượng phát thải khí metan trong hoạt động nông nghiệp vào năm 2030 so với mức năm 2020.