Ứng phó với áp thấp, miền Trung lên phương án sơ tán hơn 290.000 dân
(Dân trí) - Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 7, các tỉnh miền Trung dự kiến sẽ phải sơ tán hơn 71.000 hộ, với hơn 290.000 dân ven biển.
Chiều nay (6/10), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp trực tuyến với 10 tỉnh miền Trung để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 7. Cuộc họp do ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - chủ trì.
Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, hiện Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão đã nắm được thông tin và có công điện chỉ đạo. Ngoài ra, một số địa phương đã có văn bản chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ.
Tính đến 13h ngày 6/10, các địa phương đã đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 61.000 phương tiện với gần 280.000 lao động biết về diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới/bão để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, hoặc vào nơi tránh trú an toàn.
Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch Covid-19. Dự kiến, khu vực này sẽ phải sơ tán hơn 71.000 hộ, với hơn 290.000 dân ven biển.
"Các địa phương đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng, cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh. Hiện có 7.690 ca F0/9 tỉnh, thành phố", đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT nói.
Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng
Tại cuộc họp, trước khi báo cáo chi tiết về diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết: Tháng 10-11, là thời điểm trọng tâm mùa mưa bão năm nay, do đó, khu vực miền Trung thời gian tới dự báo sẽ còn xuất hiện nhiều loại thiên tai như bão, mưa lũ, sạt lở đất... Do đó, các tỉnh khu vực này cần có phương án trước để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.
Trở lại diễn biến cơn áp thấp nhiệt, ông Khiêm cho biết: Áp thấp nhiệt đới này có điểm đặc biệt là được hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang qua khu vực Trung Trung Bộ. Do đó, mặc dù cơn áp thấp nhiệt đới này chưa ảnh hưởng đến đất liền, nhưng nhiều tỉnh miền Trung đã xuất hiện mưa lớn từ ngày 5/10 cho đến hôm nay.
"Hiện nay, các mô hình dự báo quốc tế chưa có thống nhất về quỹ đạo, cường độ của cơn áp thấp này. Nhưng căn cứ vào thông tin dữ liệu quan trắc, chúng tôi đưa ra nhận định là áp thấp này có khả năng mạnh lên thành bão trong 24-36 giờ tới. Khi bão đi vượt qua quần đảo Hoàng Sa đi vào gần bờ sẽ đi chậm lại, khoảng 10-15 km/h. Khi vào gần bờ, bão có xu hướng đi lên phía Bắc, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực giữa Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ" - ông Khiêm cho biết.
Cũng theo ông Khiêm, lúc 13h ngày 6/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Ông Khiêm cho biết, dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
"Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 8/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11" - ông Khiêm đưa ra nhận định.
Về cảnh báo mưa lớn, theo ông Khiêm: Từ 6/10 - 8/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500 mm/đợt, có nơi trên 600 mm/đợt, ở khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt.
Từ ngày 9-12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Miền Trung có thể hứng một chuỗi thiên tai trong thời gian tới
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài lưu ý thời gian tới ngoài cơn áp thấp nhiệt đới/bão này, nhiều tỉnh miền Trung còn hứng chịu một chuỗi thiên tai khác, như: Mưa lớn kéo dài, khả năng xuất hiện thêm một cơn bão nữa trên Biển Đông.
Trước mắt, ông Hoài đề nghị các địa phương cần khẩn trương thông báo, yêu cầu các tàu thuyền còn hoạt động ở vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão cần ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn.
Ngoài các tàu thuyền khai thác hải sản, ông Hoài lưu ý, các tàu vận tải, tàu phục vụ các công trình ven bờ cũng cần có phương án đảm bảo cho người và tài sản.
Khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão sẽ xuất hiện mưa lớn, do đó, ông Hoài yêu cầu các địa phương cần có phương án sơ tán dân khỏi vùng thấp trũng, những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất...
"Nhiều tỉnh được dự báo sẽ có mưa lớn, do đó, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi cần tuân thủ quy trình xả tràn, xả lũ để đảm bảo an toàn cho hạ du. Đặc biệt, trước khi xả phải thông báo cho người dân phía hạ du để có phương án phòng tránh" - ông Hoài cho biết.