UBND TPHCM bác đề xuất tạm ngưng quảng cáo trên xe buýt
(Dân trí) - Sở Giao thông vận tải đề xuất tạm ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, UBND TPHCM yêu cầu tiếp tục đàm phán với doanh nghiệp để gia hạn hợp đồng.
Năm 2017, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM ký hợp đồng cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt (492 chiếc) trong thời gian 3 năm, với giá hơn 160 tỷ đồng và đến nay đã kết thúc.
Theo Sở Giao thông vận tải TP, hiện công tác đầu tư thay thế mới xe buýt đang được triển khai (đã hơn 60%), hệ thống mạng lưới xe buýt cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động xe buýt trên địa bàn.
Vì vậy, Sở GTVT đề xuất UBND TP không tiếp tục tổ chức đấu giá cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt theo đề án "Quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe buýt) trên địa bàn TPHCM" được UBND TP phê duyệt năm 2017.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng rà soát, nghiên cứu điều chỉnh đề án để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nhu cầu quảng cáo thực tế trên địa bàn thành phố.
Trong đó, xác định lại số tuyến có trợ giá mang tính ổn định để quảng cáo, xây dựng lại bảng giá; phân phối nguồn thu; xác định thời điểm phù hợp cho thuê quảng cáo…
Trong khi đó, báo cáo UBND TPHCM, Sở Tài chính cho rằng, việc quảng cáo trên xe buýt chưa hiệu quả thể hiện qua việc: từ năm 2017 đến hết năm 2019 chỉ chọn được 1 đơn vị trúng đấu giá với 25/101 tuyến buýt, đạt tỉ lệ 24%.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đề án được cho là phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguyên nhân do xe buýt thuộc quyền sở hữu của các xã viên hợp tác xã vận tải.
Tuy nhiên, việc triển khai đề án quảng cáo trên xe buýt từ năm 2018 đến nay đã tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước hơn 57,3 tỷ đồng (đó là chưa tính khoản đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng là hơn 16,1 tỷ đồng) nhằm bù đắp kinh phí trợ giá xe buýt.
Bên cạnh đó, đề án bao gồm các tuyến xe buýt có trợ giá và không trợ giá. Đối với những tuyến buýt không trợ giá, doanh nghiệp vận tải, chủ xe được hưởng trọn vẹn nguồn thu từ quảng cáo sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính. Do đó, việc dừng đề án sẽ tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe của những tuyến không trợ giá.
Vì vậy, Sở Tài chính kiến nghị tiếp tục thực hiện đề án "Quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe buýt) trên địa bàn TPHCM" cho đến khi UBND TP ban hành đề án mới (nếu có).
Sau kiến nghị của 2 Sở, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức đàm phán với doanh nghiệp về gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng quảng cáo trên xe buýt thành phố.
Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu UBND TP điều chỉnh phương án quảng cáo phù hợp với tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nhu cầu khai thác quảng cáo thực tế.
TPHCM có gần 128 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó có 91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không có trợ giá. Thời gian gần đây số lượng tuyến xe buýt có xu hướng giảm do rà soát sắp xếp lại mạng lưới tuyến cho phù hợp, giảm trùng lắp và tăng độ bao phủ. Thậm chí, nhiều tuyến xe buýt cũng bị "khai tử" vì ế khách. Để duy trì hoạt động hệ thống xe buýt, mỗi năm ngân sách thành phố bố trí kinh phí trợ giá hơn 1.000 tỷ đồng.