1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tỷ lệ công chức “cắp ô” cao, báo cáo lại… rất ít

(Dân trí) - “Tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ theo báo cáo rất ít, trong khi dư luận đánh giá tỷ lệ này cao. Trên thực tế, với cơ chế đánh giá như hiện nay, rất khó xác định đúng và chính xác cán bộ có hoàn thành nhiệm vụ hay không”.

Báo cáo giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của UB Thường vụ Quốc hội được gửi tới các đại biểu khi kỳ họp Quốc hội đã diễn ra hơn 1 tuần.

Báo cáo cho biết, số lượng cán bộ công chức toàn quốc tính đến ngày 31/12/2012 là hơn 535.500 người. Về trình độ, tiến sỹ hơn 2.200 người (0,4%), thạc sỹ 19.666 người (3,7%), cử nhân gần 278.200 người (51,9%), số công chức đã được đào tạo về lý luận chính trị là hơn 251.000 người (46,9%).

Ngoài ra, đến hết năm 2012, cả nước còn có gần 1,7 triệu viên chức, tăng hơn 500.000 người so với năm 2009, trong đó có 12.200 tiến sỹ (chiếm tỷ lệ 0,7%), thạc sĩ là 19.700 người (3,7%), cử nhân (đại học) là 278.200 người (51,9%)…
(Minh họa: Ngọc Diệp).
(Minh họa: Ngọc Diệp).

Báo cáo cũng nêu rõ, trong 3 năm, tại 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành bổ nhiệm gần 31.700 cán bộ, công chức, viên chức quản lý. Cơ quan tiến hành giám sát đánh giá, việc bổ nhiệm được thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai, minh bạch, góp phần tạo động lực để người có trình độ, năng lực phấn đấu vươn lên, góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc một số địa phương tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, bước đầu tạo được môi trường cạnh tranh, thu hút người có phẩm chất, năng lực làm công tác quản lý. Nhưng đoàn giám sát cũng nhìn nhận, đây là việc làm mới cần nghiên cứu rút kinh nghiệm nhân rộng việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, đoàn giám sát cho rằng, việc bố trí, sử dụng cán bộ có lúc, có nơi thiếu hợp lý, sai quy trình, thủ tục. Việc đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng chủ quan, cảm tính, nể nang, thiếu tính toàn diện, thiếu những tiêu chí cụ thể, chưa phản ánh đúng thực chất để làm cơ sở cho công tác bổ nhiệm.

“Vì vậy, nếu căn cứ vào báo cáo thì tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ rất ít, trong khi dư luận đánh giá tỷ lệ này là cao. Trên thực tế, với cơ chế đánh giá cán bộ, công chức như hiện nay, rất khó xác định đúng và chính xác cán bộ, công chức hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ” - báo cáo nêu rõ.

Việc bổ nhiệm lại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý mà trong nhiệm kỳ bị xử lý kỷ luật hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể gây lúng túng, vướng mắc cho các địa phương trong việc thực hiện. Nhiều trường hợp hết nhiệm kỳ nếu chưa bổ nhiệm lại vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ quản lý dẫn đến công tác bổ nhiệm lại chưa được thực hiện nghiêm túc

Việc tuyển dụng viên chức thì được ghi nhận đã kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chú trọng đến năng lực, phẩm chất đạo đức; một số chính sách phù hợp để thu hút cán bộ, công chức, viên chức về công tác tại tuyến cơ sở, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Lĩnh vực này cũng còn một số hạn chế như một số ngành, địa phương yêu cầu tuyển dụng cần có bằng tốt nghiệp loại giỏi, loại khá thì đa phần đối tượng dự tuyển tốt nghiệp ở các trường ngoài công lập, hình thức đào tạo không chính quy đủ tiêu chuẩn tham dự; còn các đối tượng có bằng tốt nghiệp loại trung bình ở các trường công lập, hình thức đào tạo chính quy lại không đủ tiêu chuẩn tham dự do cách cho điểm, đánh giá và các hình thức đào tạo ở các trường là khác nhau. Điều này dẫn đến không tuyển dụng được công chức có chất lượng. Một số địa phương đã có quy định khác với văn bản cấp trên như không tuyển dụng người tốt nghiệp trường dân lập hoặc hệ vừa học, vừa làm và ưu tiên người có hộ khẩu thường trú tại địa phương là trái với quy định pháp luật hiện hành.

Việc tuyển dụng viên chức hiện nay vẫn chú trọng đến bằng cấp và kiến thức về quản lý nhà nước nói chung, các nội dung thi tuyển chưa thật sự phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến năng lực và kỹ năng công tác của người được tuyển dụng; chất lượng đào tạo ở một số trường chưa cao, chưa gắn lý luận và thực hành nên dẫn đến chất lượng công tác chuyên môn của một số viên chức sau khi được tuyển dụng còn hạn chế.

Đánh giá chung, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý. Số liệu tổng hợp cũng cho thấy ở những địa phương có điều kiện tương đồng (về dân số, diện tích đất tự nhiên) nhưng số lượng cán bộ, công chức, cơ cấu bậc, ngạch, trình độ chuyên môn cũng rất khác nhau. Chẳng hạn như thành phố Cần Thơ dân số gần 1,2 triệu người, số lượng cán bộ, công chức là gần 3.000 người, trong khi đó thành phố Đà Nẵng dân số là 926.400 người nhưng có tới 3.200 cán bộ, công chức. Tương tự như vậy đối với các tỉnh Đắk Lắk và Hòa Bình; Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Kon Tum và Lai Châu; Hà Tĩnh và Hải Dương…

Ngoài ra, công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức chưa được thực hiện một cách chặt chẽ và nghiêm túc. Thanh tra, kiểm tra còn chưa được sâu sát, thường xuyên nên vẫn có những hiện tượng tiêu cực theo phản ánh của dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời….

Về tổ chức bộ máy nhà nước, sau khi sáp nhập một số bộ thì việc thành lập nhiều tổng cục và cục thuộc bộ lại tăng lên, về hình thức là giảm số bộ nhưng thực chất không giảm số đơn vị trực thuộc và cũng không giảm về biên chế; theo số liệu thống kê thì biên chế tăng trong cả hệ thống từ trung ương đến địa phương. Số lượng công chức, viên chức được tuyển dụng tăng dần qua từng năm, đặc biệt là việc tuyển dụng viên chức trong những năm qua tăng lên rất nhanh, làm cho mục tiêu tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước không thực hiện được.

Số liệu được dẫn chứng, số cán bộ, công chức nghỉ chế độ, chính sách trong 03 năm từ 2010 - 2012 là hơn 28.100 người, so với số tuyển mới là hơn 63.300 người, như vậy tăng hơn 35.200 người, bằng 125% so với số người nghỉ và 9,3% so với tổng số cán bộ, công chức.

P.Thảo

Dòng sự kiện: 30% công chức "cắp ô"

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm