Tướng Thước và những ký ức không thể quên về cuộc chiến chống Pôn Pốt
(Dân trí) - “Cả làng Samát - Thiện Vôn không một bóng người, một khung cảnh rùng rợn hiện lên trước mắt chúng tôi khi những xác chết nằm la liệt, mùi người chết cháy khét lẹt bốc lên… Đó là nỗi căm thù, cũng là động lực sôi sục cho cuộc chiến tiêu diệt bọn Pôn Pốt”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu IV, Tham mưu trưởng quân đoàn 3 trực tiếp tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam và đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia chiến đấu chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt năm 1979.
35 năm sau chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt, trong đầu vị tướng già vẫn còn đó những ký ức không thể quên về cuộc chiến lịch sử bảo vệ loài người.
Người chết la liệt
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể, ít ngày sau giải phóng miền Nam năm 1975, quân Pôn Pốt đã có âm mưu đánh phá Việt Nam. Lúc đầu, bọn Pôn Pốt chỉ quấy phá những điểm lẻ tẻ, nhưng từ năm 1977 thì chúng tràn sang biên giới Tây Nam và dồn dập đột kích, tàn sát dân thường Việt Nam ở các khu vực đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, Hà Tiên (Tây Ninh), An Giang, Đồng Nai…
Quân đội ta đóng ở Tây Nguyên khi đó được lệnh hành quân về Tây Ninh tổ chức phòng thủ để bảo vệ biên giới Tây Nam. Trung tướng Thước lúc đó là Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 và là một trong những người đầu tiên thuộc nhóm trinh sát, công binh và cán bộ tiền phong được giao nhiệm vụ đi nắm tình hình.
“Một khung cảnh rùng rợn hiện lên trước mắt chúng tôi, cả làng Samat-Thiện Vôn không một bóng người đi lại, người chết nằm la liệt dưới đất, bao trùm cả bầu không khí là mùi xác chết của người và động vật lẫn lộn bốc lên. Bọn Pôn Pốt đã giết không trừ một ai, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, đi đến đâu chúng giết người tới đó.
Bất kỳ người nào chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp ấy đều không thể cầm được nước mắt và nỗi đau thương, không thể không sôi sục lòng căm thù và ý chí chiến đấu tiêu diệt bọn Pôn Pốt - chế độ diệt chủng tàn bạo nhất thế giới bấy giờ” - Trung tướng Thước kể lại.
Ở đất nước Campuchia, đoàn quân giải phóng đi đến đâu cũng gặp toàn xác người chết. Ở hồ ao, giếng nước, vệ đường, bãi hoang… chỗ nào cũng có xác người. Dọc đường tràn ngập ruồi nhặng, ruồi nhiều đến mức khi đoàn quân dừng nghỉ để ăn uống là phải mắc màn.
“Đưa quân sang giúp Campuchia nhưng lực lượng ta rất khổ cực, nắm cơm cũng phải chia năm sẻ bảy, nước không có mà uống. Trên đường hành quân, thỉnh thoảng nhìn thấy có giếng nước nhưng khi vớ dây kéo thì thấy nổi lên mấy xác người đang phân hủy, hồ ao nào cũng la liệt xác người dạt vào bờ.
Cách duy nhất để có nước uống là anh em chiến sỹ phải tìm đến các hồ sen, những hồ này cũng có xác người chết nhưng đặc tính của sen là hút độc nên nước cũng đỡ bị ô nhiễm hơn những ao hồ khác.” - Tướng Thước cho hay.
Theo Trung tướng Thước, chính thảm cảnh người chết, nhà cháy, làng mạc xơ xác dưới bàn tay tàn bạo của bọn Pôn Pốt đã tạo cho cán bộ chiến sĩ và quân tình nguyện Việt Nam một cảm xúc rất khó tả, một động lực đặc biệt với tinh thần quyết liệt và chiến đấu đến cùng, buộc bọn Pôn Pốt phải trả giá cho hành động của chúng.
Điều khủng khiếp nhất trong cuộc đời đi chiến đấu...
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, ông đã trải qua mấy chục năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã quá thấm thía nỗi đau thương khi phải chứng kiến đồng bào mình bị bọn thực dân, đế quốc giết hại, nhưng có một ký ức kinh hoàng tại cuộc chiến chống Pôn Pốt mà đến ngày hôm nay trong đâu ông vẫn còn bị ám ảnh.
Đó là thời điểm truy đuổi Pôn Pốt vào đầu năm 1979 nhưng bất thành. Chiến dịch cuối cùng diễn ra trong bối cảnh quân Pôn Pốt thất thế bỏ chạy và tương quan lực lượng quân ta đang giành thế thắng. Quân tình nguyện Việt Nam và quân cách mạng Campuchia sôi sục muốn truy bắt bằng được kẻ cầm đầu chế độ diệt chủng tàn bạo nhất thế giới - Pôn Pốt.
Những cuộc hành quân và chiến đấu của lực lượng ta được triển khai thần tốc với mục tiêu nhanh chóng tiêu diệt quân Pôn Pốt để giải cứu người dân. Mỗi ngày tiến đánh trên 70 cây số, trong đầu ai cũng nung nấu suy nghĩ đánh nhanh một ngày thì cứu sống được nhiều người dân mà đánh chậm một ngày thì nhiều người dân vô tội phải chết.
Người dân Campuchia lúc đó quá khốn khổ! Hàng trăm nghìn dân thường trong đoàn người bị quân Pôn Pốt dồn đi theo chúng sau sót lại chỉ còn vài chục người. Khi lực lượng của ta tiếp cận được số những người dân cuối cùng thì họ đều đang trong tình trạng đói khát và ốm quặt quẹo.
Tuy nhiên, điều rùng rợn hơn tất cả mọi thứ mà Trung tướng Thước nhắc lại đó là khi mở bao tải của những người dân vừa được quân giải phóng cứu thoát khỏi bọn Pôn Pốt thì bên trong toàn là những bàn tay, bàn chân, là những phần thân thể của con người.
“Bọn Pôn Pốt lùa người dân đi, chúng không cho đồ ăn, không cho uống nước. Trong đoàn người ấy, cứ ai ốm yếu là nó giết. Khi chúng tôi hỏi thì người dân trả lời do không có gì ăn nên bọn Pôn Pốt bắt người khỏe phải ăn thịt của người ốm, người nào không lê bước được nữa thì làm thịt luôn coi như thức ăn để chặt ra chia nhau.
Họ - những người dân lương thiện khi bị dồn đến đường cùng đã phải ăn thịt người, ăn thịt của chính đồng bào mình để sống. Đó là điều khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến trong suốt cuộc đời đi chiến đấu của mình”. - Trung tướng Thước nhớ lại.
Bộ đội cụ Hồ nhân hậu, thủy chung
Chia sẻ về những năm tháng gian khổ tham gia chiến đấu tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt giúp Campuchia, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước không thôi bồi hồi, xúc động về một thời đau thương mà oanh liệt của đội quân vì nghĩa lớn hi sinh cuộc đời và sinh mạng của mình để đi cứu dân cứu nước.
35 năm trôi qua, những ký ức năm xưa vẫn còn đó và đến hôm nay vị tướng già của quân đội nhân dân Việt Nam vẫn nhắc đi nhắc lại rằng: Chúng ta không phải là bậc cứu tinh nào cả, Việt Nam và quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu và hi sinh giúp Campuachia vì đó là một nhiệm vụ cao cả, vì Việt Nam - Campuchia là anh em, là chiến hữu, là đồng đội, vì người dân Campuchia lương thiện và tốt bụng.
Theo tướng Thước, khí thế chiến đấu ấy, tinh thần dân tộc ấy, tình đoàn kết quốc tế ấy, chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc ấy là bản chất của bộ đội cụ Hồ và trên thế giới ít có quân đội cách mạng nào có tính nhân hậu, thủy chung như bộ đội cụ Hồ, như quân đội nhân dân Việt Nam.
Tướng Thước cũng mừng vì đến hôm nay trong trái tim người dân Campuchia vẫn nhớ đến Việt Nam, nhớ đến quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu và hi sinh vì họ. Ông tin tưởng rằng, trong thời chiến cũng như trong hòa bình, nhân dân Việt Nam và Campuchia sẽ luôn kề vai sát cánh và cùng nhau phát triển đất nước ngày càng vững mạnh.
Châu Như Quỳnh