Từ vụ cháy chung cư mini: "Bịt kẽ hở nhưng không đẩy người dân ra đường"
(Dân trí) - Ví vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội như giọt nước tràn ly của những tồn tại tích tụ, ĐBQH Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh cần bịt kẽ hở nhưng không siết quá mức, bởi đây là cứu cánh chỗ ở cho nhiều người.
Quan điểm này được đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng nêu ra khi thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 1/11.
Nhắc đến những vấn đề bất cập trong phát triển nhà ở, vị đại biểu dẫn chứng câu chuyện từ vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) và ví vụ việc này như giọt nước tràn ly của những tồn tại tích tụ lâu nay.
"Núi thủ tục, rừng quy định" khiến doanh nghiệp không mặn mà
Nhìn xa hơn, ông Thắng cho rằng cần bịt ngay kẽ hở quản lý nhưng không phải siết chặt quá mức cần thiết, bởi chung cư mini là cứu cánh chỗ ở cho người thu nhập thấp, sinh viên hiện nay, nếu siết chặt quá sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường, khi họ không có điều kiện để ở tại những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao.
Vị đại biểu ghi nhận thời gian qua đã có nhiều chính sách hấp dẫn được thiết kế nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, nhưng "vẫn ít doanh nghiệp mặn mà".
"Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho vay nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng, lại ế ẩm hàng nghìn căn hộ không ai thuê, mua. Phải chăng nó quá xa vời so với khả năng tài chính, thu nhập của người dân thu nhập thấp?", ông Thắng đặt vấn đề.
Theo ông, thực trạng người đủ điều kiện mua chưa mặn mà vì giá chưa phù hợp, vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, lựa chọn vị trí không phù hợp khi "nơi cần không có, nơi có lại không cần", là kết quả buồn.
Đại biểu cho rằng việc tồn tại "núi" thủ tục, rừng quy định hành chính cùng những rủi ro pháp lý khác là nguyên nhân chính cần tháo gỡ, khi đó nguồn lực xã hội mới được giải phóng.
"Chân thành và thực sự xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cũng là đối tượng đặc biệt cần tháo gỡ thì mục tiêu phát triển loại nhà ở này mới có thể trở thành hiện thực", theo lời ông Thắng.
Ông cũng đề nghị cần định vị lại địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong sứ mệnh chăm lo nhà ở xã hội.
Cao tốc phải ít nhất 4 làn xe
Một vấn đề khác được đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị góp ý là việc phát triển hạ tầng giao thông.
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các công trình đường bộ cao tốc, phấn đấu năm 2025 có trên 3.000km cao tốc, ông Thắng ví đất nước ta như đại công trường mà ở đó còn nhiều khó khăn, bất cập về vật liệu đắp nền, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia.
"Việc cấp phép khai thác vật liệu ở địa phương còn mất thời gian, ngay cả khu vực mỏ vật liệu quy hoạch được giao cho nhà thầu, thủ tục cấp phép rắc rối, tình trạng găm hàng, nâng ép giá vật liệu đang diễn ra nhiều nơi", đại biểu phản ánh.
Theo ông, doanh nghiệp đang chơi vơi giữa dòng giá, làm thì lỗ, không làm thì phá sản. Ghi nhận những chỉ đạo giải quyết của Chính phủ song vị đại biểu cho rằng những giải pháp ấy chưa đủ mạnh và hiệu quả. Ông đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều chỉnh định mức, rút gọn đơn giản thủ tục khai thác mỏ vật liệu, sớm đưa vật liệu mới vào thay thế.
Trong đầu tư, ông Thắng nhấn mạnh "hoàn thành đến đâu phải vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả đến đó", thực hiện đúng quy chuẩn đường bộ cao tốc, ít nhất là 4 làn xe và có dải phân cách, tránh giai đoạn tiếp theo phải phá dỡ gây lãng phí lớn.
Ông Thắng dẫn chứng cao tốc Cam Lộ - Túy Loan được đầu tư 2 làn xe đang phát sinh nhiều bất cập, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chưa đồng bộ hạ tầng phụ trợ, chưa đầu tư trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu và dịch vụ khác nên cao tốc không hấp dẫn phương tiện tham gia.
Từ thực tế này, ông đề nghị Chính phủ rà soát thực trạng bất cập của hệ thống cao tốc đường bộ hiện có, khẩn trương mở rộng những tuyến cao tốc 2 làn xe để đảm bảo khai thác hiệu quả.