1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Từ mật ngọt đến... mắm ong rừng U Minh Hạ

(Dân trí) - Ong rừng U Minh Hạ từ lâu là một thương hiệu “vang danh” của tỉnh Cà Mau. Nhiều năm trở lại đây, ngoài việc gác kèo ong lấy mật, thì người dân địa phương cũng đang tìm một hướng đi mới cho loại sản vật này.

Từ gác kèo ong cũng xem “phong thủy”…

Tôi về U Minh Hạ một ngày cuối năm, trời nắng không quá gắt, nhưng cũng đủ làm “cháy” khô những vạt rừng tràm. Mà cái mùi hương hoa tràm thật lạ, thơm ngầy ngậy, xộc vào mũi người, nên bảo sao lũ ong cứ bám riết vào để mà “đẻ” mật.

Dẫn tôi rảo vòng quanh khu vực rừng trong một xã vùng sâu của huyện U Minh, anh Long- cán bộ Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ- cứ bảo: “Đi săn ong mật rừng tràm không sướng đâu nhé, chẳng thuận tiện chạy xe máy một vòng là có được liền, mà phải bơi xuồng, cuốc bộ mới thấy được chỗ ong làm mật”. Nghe anh cán bộ lâm nghiệp nói, tôi có vẻ chột dạ vì “cái sự khổ”, nhưng “không vào hang sao bắt được cọp”, tôi quyết tâm làm một chuyến gọi là.

Ngồi tiếp chuyện với tôi là ông Út Tươi (45 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích) đã có mười mấy năm làm nghề gác kèo ong lấy mật. Ông Út Tươi cho biết, ông chỉ làm những kèo nhỏ, gọi là kiếm thêm thu nhập để nuôi vợ con, nhưng từng ấy thời gian cũng đã cho ông những kinh nghiệm gác kèo ong “không chê vào đâu được”. “Thường thì từ tháng 9 âm lịch trở đi, khi vừa hết mùa mưa, tràm lại nở hoa, ong về có cái để ăn, cũng là lúc mình bắt đầu gác kèo để lấy mật. Mùa có ong mật cao điểm kéo dài đến tháng 3 âm lịch, nhưng lượng mật nhiều hay ít cũng còn phụ thuộc vào cách gác kèo và “số má” của người gác”- ông Út Tươi quả quyết.

Rồi ông Út Tươi chia sẻ, cực nhất của việc đi gác kèo ong là phải vô tận rừng tìm những chỗ vừa ý nhất, dự đoán có thể có nhiều ong về kiếm ăn. Sau khi tìm được chỗ rồi, vác mấy cây kèo (thường được làm bằng thân cây cau) vào để gác theo dạng bắc cầu, nhưng thông thường là phải đầu thấp, đầu cao. Theo ông Út Tươi, nói gác kèo có thể ai cũng làm được, nhưng gác để có ong về “đẻ” mật, mà “đẻ” được nhiều thì không phải ai cũng có “số”. “Tui thấy, thường đi gác kèo ong cần chọn hướng mặt trời mọc là hướng chính. Ngoài ra, còn nhìn thêm những không gian mà người ta hay gọi là trảng lũng, trảng cò, trảng ráng, trảng cu, và tùy vào từng trảng mà gác đúng hướng thì mới có mật”. Nghe qua khá lạ, tôi “đốc” ông Út tiết lộ thêm. Thấy tôi thiệt tình muốn tìm hiểu, ông Út Tươi “mần” tiếp mấy lời: “Chẳng hạn như trảng lũng là một khu vực rừng, xung quanh toàn tràm cao, còn ở giữa tràm thấp. Phải nhìn bằng con mắt nghề để biết thiên thời địa lợi mà gác kèo, chứ nếu không có kèo gác mục cả cây nhưng chẳng thấy con ong nào về vì không đúng chiều hướng”.

Từ mật ngọt đến... mắm ong rừng U Minh Hạ - 1

Những kèo ong ở U Minh Hạ
Những kèo ong ở U Minh Hạ

Theo người trong nghề gác kèo ong cho biết, phải có sự chuyên nghiệp, cái chính là bằng “con mắt nghề” lâu năm thì mới biết rõ đặc điểm, thời gian để lấy mật ong. “Khi nhìn vào tổ ong, thấy con đều, đã tô vôi,… thì đã đến lúc có thể thu hoạch. Nhưng trung bình là cứ nửa tháng lấy một lần, còn sớm nhất cũng từ 10-12 ngày chứ không ít hơn, bởi lúc này mật mới chín. Thêm cái nữa là khi đi lấy mật, tốt nhất vào buổi sáng sớm còn tinh sương, bởi lúc này dùng lửa khói xua ong sẽ ít xảy ra sự cố như tàn lửa làm cháy rừng”- một người dân trong nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ chia sẻ.

Nói là vậy, chứ việc gác kèo ong không chỉ lo sự cố xấu nhất là cháy rừng, mà còn lo canh cả bọn đạo chích. Ông Út Tươi vừa bơi xuồng đưa tôi đi “mục sở thị” kèo ong ở cánh rừng phía sau nhà, vừa kể: “Có những tên trộm mật ong tính toán còn hay hơn cả mình. Tài tình lắm, chúng nhìn kèo ong là biết có thể lấy lúc nào. Mới hồi chiều mình đi thăm còn thấy kèo ong đầy mật, đến khi sáng sớm xách đuốc ra thì thấy cây kèo trống trơn, cả một tổ ong mật vàng rụm đã bốc hơi từ lúc nào cũng chẳng rõ”.

Nói về kinh tế mật ong, nhiều người dân có đi gác kèo ong ở địa phương cho biết, trung bình một năm làm hơn nửa vụ lúa, kiếm cũng được hơn chục triệu đồng. Mỗi kèo trung bình 4-5 lít mật, bán tại chỗ khoảng 250.000 đồng/lít, thì cũng được hơn triệu đồng. Có người trúng mánh thì mỗi kèo có khi kiếm cả chục lít, thậm chí hơn nữa, nên nghề này nhìn chung cũng xoay sở được phần nào kinh tế của nhiều gia đình ở miệt đất U Minh Hạ những khi mùa ong mật về.

… đến “thương hiệu mới” mắm ong U Minh Hạ

Sau khi lấy mật, tàn ong được bán lại cho người khác để họ làm một món ăn mà nghe nói là ít người biết tới. Nghe qua thật lạ, tôi quyết làm một phen “truy tìm” cho ra món ăn này ở đất “bốn bể là tràm”- huyện U Minh. Sau cả buổi dò la, hỏi thăm thêm anh Chủ tịch huyện, mới biết ở địa phương có một đặc sản mới làm từ ong rừng U Minh Hạ, đó là mắm ong. Anh Chủ tịch huyện bật mí thêm với tôi, chắc chắn mật ong ở đâu cũng có, nhưng mắm ong thì có thể nói chỉ có ở U Minh. Để kiểm tra “tiếng tăm” của món này, tôi đã hỏi nhiều người sống ở ngay tỉnh Cà Mau, nhưng có người thật sự chẳng biết đến món mắm ong, chứ nói chi được nếm thử.

Rồi hiển hiện trước mắt tôi là cả một thau tàn ong (chủ yếu con ong non) đã được sơ chế gia vị, đang chuẩn bị cho vào keo để làm mắm ong. Bà Trần Cẩm Vân (chủ nhà) hồ hởi khi thấy tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn vào thau tàn ong: “Tui làm món này cũng từ vài năm nay rồi, nhưng chủ yếu là để dành ăn trong gia đình, biếu bà con thân quen, nên ít ai biết là phải”. Rồi không cần khách hỏi gì, bà chủ háo hức bật mí ngay cách làm món đặc sản này: “Làm thì đơn giản thôi, tổ ong sau khi lấy mật, mình mua tàn ong về rồi dạo ra cho sạch, thêm gia vị như muối, đường, thính,… trộn đều với ong. Sau đó, bỏ qua một đêm, rồi cho vô keo, để sau 3 ngày là có thể ăn được”.

Bà Trần Cẩm Vân đang làm món mắm ong
Bà Trần Cẩm Vân đang làm món mắm ong

Mắm ong, một đặc sản mới ở U Minh Hạ
Mắm ong, một đặc sản mới ở U Minh Hạ

“Mắm ong ăn có vị béo con ong, ngọt, thơm,… Nếu trộn thêm gừng, ớt, ăn kèm với những lá có vị chát như lá sung thì ngon hết sẩy”, bà chủ quả quyết thêm hương vị của món ăn.

Bộc bạch thêm với tôi về quá trình làm mắm ong, bà Vân chia sẻ, vẫn có những cái khó khăn, vất vả để cho ra “lò” món ăn độc đáo này. “Mình phải liên hệ từ nhiều nơi để thu mua nguyên liệu tàn ong, với giá cả phải chăng nhất. Hiện nay, nếu mình tới chỗ mua hoặc người ta mang đến thì khoảng 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg tàn ong. Rồi phải tự mình rang gạo, xay thính, đến tìm thân lá cau khô, sống dừa để chèn trong keo mắm. Tất cả những việc này cũng mất thời gian lắm, nhưng được cái là làm được món ăn lạ, nhiều người thích nên mình thấy vui”- bà Vân tâm sự.

Trước khi chia tay, bà chủ mắm ong duy nhất ở U Minh Hạ còn nói với tôi, món mắm ong được xem là “nghề” của ông cha bà để lại, và bà đang có ý định xây dựng một “thương hiệu” mới cho ong rừng U Minh Hạ qua món ăn này. Nghe lời nói ấy, tôi thấy bà thật sự thiết tha, muốn góp chút “nghề” gia truyền để tạo thêm một món ẩm thực độc đáo ở vùng đất cực Nam Tổ quốc. Và có lẽ, với sự đặc sắc vốn có của món ăn mang lại, nguyện vọng của bà Vân rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, để một thương hiệu nữa từ ong rừng U Minh Hạ được “vang danh”

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm