1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

TS Trần Du Lịch: Mơ ước phát triển vùng Đông Nam Bộ sắp thành hiện thực

Q.Huy

(Dân trí) - TS Trần Du Lịch cho rằng, để hiện thực hóa ước mơ phát triển vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành cần có sự liên kết, liên thông về quy hoạch, hạ tầng và cả các cơ chế, chính sách đặc thù.

Sáng 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại TPHCM.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phân tích, góp ý về những định hướng phát triển các địa phương để nâng tầm sức mạnh của cả vùng Đông Nam Bộ.

TS Trần Du Lịch, chia sẻ, từ lâu, ông đã ấp ủ mong muốn khu vực này có đủ điều kiện để phát triển tương xứng với tầm vóc. Thời điểm những năm 2000, ông cùng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đã tư duy phát triển các địa phương trong vùng thành cực tăng trưởng.

TS Trần Du Lịch: Mơ ước phát triển vùng Đông Nam Bộ sắp thành hiện thực - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại TPHCM (Ảnh: T.N.).

"Đầu những năm 2000, chúng tôi tư duy xây dựng tứ giác phát triển gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, như một cực tăng trưởng, tạo trọng lực lớn cho phát triển. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã khiến những ước mơ ấy bắt đầu đi vào hiện thực", TS Trần Du Lịch bày tỏ.

Mở không gian phát triển cho cả vùng

Ông Lịch nhìn nhận, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã mở ra những không gian phát triển cho cả vùng. 

Trong đó, Nghị quyết 24 định hướng phát triển kinh tế - xã hội đi vào các lĩnh vực, ngành về kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, nghị quyết hướng tới mục tiêu để vùng Đông Nam Bộ tham gia các công đoạn cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, phù hợp với xu hướng phát triển.

TS Trần Du Lịch: Mơ ước phát triển vùng Đông Nam Bộ sắp thành hiện thực - 2

TS Trần Du Lịch góp ý về các định hướng lớn phát triển vùng Đông Nam Bộ (Ảnh: T.N.).

Về không gian đô thị, vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành các đô thị vùng, đồng bộ hệ thống giao thông kết nối. Đây là nền tảng để hình thành các vùng đô thị như nhiều nước trên thế giới áp dụng.

TS Trần Du Lịch cho rằng, việc hình thành Hội đồng điều phối vùng thể hiện quyết tâm chính trị khá cao để hiện thực hóa ước mơ phát triển vùng Đông Nam Bộ.

"Rõ ràng từ Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đến Nghị quyết 154 của Chính phủ về Đông Nam Bộ đã thể hiện tương đối tính đồng bộ, khả thi để phát triển vùng. Hội đồng vùng cần theo dõi, điều phối, đôn đốc, hỗ trợ để các dự án theo phân công có thể triển khai kịp thời, đồng bộ", TS Trần Du Lịch góp ý.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, Đông Nam Bộ chưa có quy hoạch vùng, các địa phương đang quy hoạch kinh tế - xã hội riêng lẻ. Do đó, Ban điều phối vùng cần tính toán để quy hoạch các địa phương nằm trong tổng thể định hướng quy hoạch vùng, đặc biệt tính toán để hình thành các tiểu vùng. Trong đó, tiểu vùng trung tâm gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ

TS Trần Du Lịch cũng nêu ý kiến về việc vùng Đông Nam Bộ cần được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để có thể cộng hưởng sức mạnh. Trong đó, các nội dung phân cấp, phân quyền trong Nghị quyết 98 của TPHCM có thể áp dụng cho các địa phương khác mà không cần nghiên cứu thêm để tạo tính đồng bộ trong thể chế.

"Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) là điểm mới, được quy định trong Nghị quyết 98 của TPHCM. Nếu được, nội dung này cần áp dụng cho hệ thống giao thông vùng, kể cả đường sắt, đường kết nối", ông Lịch nêu quan điểm.

TS Trần Du Lịch: Mơ ước phát triển vùng Đông Nam Bộ sắp thành hiện thực - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề sự kiện (Ảnh: T.N.).

Khi áp dụng mô hình này, toàn bộ phần đất hình thành theo tuyến giao thông có thể làm đô thị, logistics tận dụng để phát triển liên kết vùng. Vị chuyên gia khẳng định, nếu làm tốt TOD, quỹ đất tận dụng được là "con gà đẻ trứng vàng" cho ngân sách, giúp các dự án giảm phụ thuộc vào ngân sách.

"Từ nay đến 2 năm sau, chúng ta cần chuẩn bị các tiền đề, điều kiện. Tôi tin, vùng Đông Nam Bộ sẽ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2035. Đó là điều kiện để mơ ước của chúng tôi khi đó trở thành hiện thực", TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cũng kiến nghị một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, TPHCM cho rằng cần có cơ chế thành lập quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng.

TS Trần Du Lịch: Mơ ước phát triển vùng Đông Nam Bộ sắp thành hiện thực - 4

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ (Ảnh: T.N.).

"Việc thành lập quỹ là hết sức cần thiết. Quỹ được hình thành từ vốn ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa và các nguồn khác, có nhiệm vụ đầu tư, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, liên kết vùng", ông Phan Văn Mãi phân tích.

Chủ tịch UBND TPHCM nêu thực trạng, hiện nay, TPHCM vẫn là nơi tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân trong vùng thuộc tuyến cuối. Để phân tán nguồn lực, kịp thời chăm sóc sức khỏe người dân, người đứng đầu chính quyền thành phố kiến nghị thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng và xây dựng mạng lưới bệnh viện tuyến cuối của vùng Đông Nam Bộ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm