Trượt giá luôn vượt xa tăng lương
(Dân trí) - Liên tục điều chỉnh tăng lương tối thiểu nhưng vẫn chỉ đuổi theo trượt giá, thậm chí không đủ sống. Những quy định lỗi thời về lương kéo dài nhiều năm đã và đang triệt tiêu nguyên lý tiền lương là đòn bẩy kích thích người lao động...
Đó là là ý kiến của nhận xét của cácđại biểu tại Hội thảo “Chính sách tiền lương: thực trạng và các giải pháp cải cách” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức trong hai ngày 17, 18/5/2012 tại Hà Nội.
Theo thống kê của chuyên gia, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã 8 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chỉ để bù trượt giá là chính, chứ mức tăng vẫn không đủ đảm bảo tiền lương đủ sống, phù hợp với gía trị sức lao động, thậm chí ngày một giảm sút. Cụ thể, so sánh mức lương tối thiểu năm 2002 là 210.000 đồng/tháng với hiện nay, tiền lương danh nghĩa đã tăng 295,2% nhưng chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng tăng 147,2%. Nếu tính riêng mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao hơn chỉ số giá chung 20% thì chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng tới 255,8%. Như vậy, tiền lương thực tế sau 9 năm chỉ tăng 59,9% (theo chỉ số giá chung), bình quân mỗi năm tăng 5,4%, không theo kịp với đà tăng giá, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho rằng, cần mở rộng khoảng cách quan hệ tiền lương giữa tối thiểu - trung bình - tối đa để tạo điều kiện cho việc sửa đổi hệ thống thang, bậc lương đảm bảo tương quan hợp lý, khuyến khích người làm việc có trình độ chuyên môn cao.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Hồng Huyên, Phó vụ trưởng Vụ xã hội, Văn phòng TƯ Đảng, để làm được điều này, cần phải gỡ nút thắt “tiền đâu”. Thực tế, các đề án cải cách chính sách tiền lương đều bị phá sản, khi xét đến cân đối nguồn lực tài chính.
Về vấn đề này, ông Thăng cho rằng, giống như nền kinh tế, đã đến lúc chúng ta phải tái cấu trúc lại hệ thống đầu vào, nguồn lực tài chính cho tiền lương. Tuy nhiên, để cải cách tiền lương trước hết phải có nguồn thu vì nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu theo cách làm và hiện trạng cán bộ, công chức hiện nay thì ngân sách không thể chịu nổi. Hơn nữa, nếu không đổi mới căn bản quan điểm về tiền lương, cải cách hệ thống lương, đối tượng hưởng lương thì cũng không thể giải quyết được vấn đề mà ngược lại còn để lại gánh nặng và hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Bài toán cân đối tài chính cũng được các chuyên gia đưa ra tham khảo thêm với các hướng như sau khi cân đối với nguồn tài chính ngân sách có thể đảm bảo phần thiếu hụt bằng cách vay lại (có trả lãi) nguồn tiền còn rỗi rãi của chính cán bộ, công chức…
Thanh Trầm