Trung ương có khung về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
(Dân trí) - Trung ương đã chỉ đạo trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ sau đó sẽ xây dựng chi tiết, khả thi, tiền khả thi của dự án.
Chiều 20/10, tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hồ sơ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mới được Chính phủ trình ngày 19/10.
Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng nội dung này.
Ông Hiếu cho hay, vì Chính phủ mới trình nên các nội dung về vốn cũng như đất dành cho dự án và các nội dung quan trọng khác hiện chưa rõ, tuy nhiên Ủy ban Kinh tế xác định thẩm tra chủ trương đầu tư dự án này là quan trọng nên sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu.
Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh đây là dự án rất lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy viên Trung ương đã thảo luận tại hội nghị Trung ương vừa qua.
Theo ông Định, Trung ương đã chỉ đạo trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương về dự án này. Sau khi có chủ trương thì Chính phủ mới xây dựng chi tiết, khả thi, tiền khả thi, đánh giá tác động nhiều mặt.
"Kỳ họp lần này chỉ tập trung cho ý kiến về chủ trương, có làm hay không làm, làm trong bao nhiêu năm, có quyết tâm hay không quyết tâm… Việc này Trung ương đã thảo luận kỹ, đã có khung của Trung ương, Quốc hội sẽ thể chế hóa trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông cũng cho biết, dự kiến sẽ đọc tờ trình dự án này vào ngày 13/11, chiều cùng ngày sẽ thảo luận ở tổ và chiều 20/11 sẽ thảo luận ở hội trường. Nếu được đồng thuận cao, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương dự án vào ngày bế mạc (30/11).
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, với tính chất quan trọng của kỳ họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
"Thông thường, Tổng Bí thư phát biểu tại phiên đầu nhiệm kỳ Quốc hội", ông Nguyễn Khắc Định nói.
Ông Định cho hay, đây là kỳ họp có nhiều vấn đề lớn và với phương án tiếp cận mới. Do vậy, kỳ họp này diễn ra trong 29,5 ngày, Quốc hội sẽ làm việc vào 4 ngày thứ bảy.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất với Chính phủ và xin ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất giảm thời gian đọc tài liệu tại hội trường (đọc tờ trình 10 phút, báo cáo thẩm tra 10 phút). Qua đó sẽ dành thêm thời gian để Quốc hội thảo luận...