DNews

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h

Phạm Hồng Hạnh Tuệ Minh

(Dân trí) - Người dân Liên Ninh từng nghe nhiều về ga Ngọc Hồi. Song, lâu nay dự án vẫn nằm trên giấy. Nhiều người vì thế không ngạc nhiên khi hay tin ga đầu mối đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ xây tại xã.

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h

Trái với những xôn xao của dư luận, nhiều người dân thôn Nhị Châu, xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội đón nhận tin nơi mình sinh sống sẽ được xây dựng tổ hợp nhà ga đầu mối hiện đại của siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 350km/h một cách bình thản.

Lý do là bởi, suốt nhiều năm, nơi đây mắc kẹt trong quy hoạch "treo", người dân hết lần này đến lần khác khấp khởi mừng thầm, rồi lại đợi chờ mòn mỏi.

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga đường sắt cao tốc 350km/h (Video: Tuệ Minh - Hồng Hạnh - Cẩm Tiên).

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h - 1

Cận cảnh bản đồ Quy hoạch ranh giới khu đất xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi theo quyết định năm 2012 của UBND TP Hà Nội (Ảnh: Hồng Hạnh).

Ở giữa thôn Nhị Châu, xã Liên Ninh, tấm bản đồ Quy hoạch ranh giới khu đất xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi theo quyết định năm 2012 của UBND TP Hà Nội đã ố màu, han gỉ. Nhiều người dân thậm chí còn không nhớ nổi tấm bản đồ ấy được dựng từ năm nào.

Ngỡ dự án đã bị bỏ quên?

Đi sâu vào con ngõ dựng tấm bản đồ là khu nuôi cá của gia đình bà Nguyễn Thị Thỏa (50 tuổi) cùng một số hộ dân.

Những ngày này, gia đình bà Thỏa vẫn duy trì nhịp sống như thường lệ. Người phụ nữ 50 tuổi đi vớt bèo, còn chồng và con trai chuẩn bị cho buổi kéo lưới đã hẹn với đầu mối thu mua cá. Công việc ai cũng đã làm quen tay ấy đem lại nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình hơn 30 năm qua.

Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 350km/h, trong lòng bà Thỏa đan xen nhiều cảm xúc.

Theo dự kiến, toàn bộ tổ hợp mặt bằng ga Ngọc Hồi thuộc dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ được xây dựng tại xã Liên Ninh và một số xã vùng phụ cận. Khu vực ao cá bà Thỏa canh tác sẽ nằm trọn trong tổ hợp này.

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h - 2

Theo quy hoạch, trong tương lai, nơi bà Thỏa đứng sẽ nằm trong tổ hợp ga Ngọc Hồi của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam 350km/h (Ảnh: Tuệ Minh).

Nơi người phụ nữ 50 tuổi sinh sống sắp mọc lên một siêu nhà ga mà theo nhiều người nói là sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành đường sắt Việt Nam. Chỉ ngồi tàu vài ba tiếng là bà Thỏa đã có thể tới Huế hay chỉ mất nửa ngày để vào đến TPHCM. Bà vừa háo hức, vừa tò mò nhưng cũng không tránh khỏi âu lo khi sinh kế của gia đình bị ảnh hưởng.

Hướng ánh mắt ra khu ao cá rộng hơn 6ha, bà Thỏa kể lại, năm 1991, sau khi kết hôn, vợ chồng bà tham gia đấu thầu, khai khẩn vùng đất hoang nằm cạnh thôn Nhị Châu.

"Ngày ấy, khi tôi chọn nghề nuôi cá, gia đình hai bên phản đối, chỉ lo vợ chồng con cái ở gần ao cá, không để ý là con ngã xuống ao mất mạng. Ao rộng mênh mông không rào chắn, canh coi thế nào để đề phòng kẻ gian?", người phụ nữ bồi hồi nhớ lại buổi gian nan ban đầu.

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h - 3

Khu vực ao nuôi cá của nhà bà Thỏa (Ảnh: Tuệ Minh).

Với 5 mẫu đất đấu thầu, bà Thỏa bụng mang dạ chửa cùng chồng dọn cỏ lác um tùm, san phẳng con đường mấp mô rồi đào ao thả cá. Suốt nhiều năm, biết bao mồ hôi và nhọc nhằn của vợ chồng bà đã in dấu trên mảnh đất này.

Bà Thỏa cũng bỏ ngoài tai những lời can ngăn đất nằm trong dự án xây ga Ngọc Hồi, quá trình canh tác sẽ không ổn định.

Bà bảo, lý do cũng vì không có lựa chọn nào khác. Bà và chồng vừa làm vừa nghe ngóng, cứ nghĩ làm mấy năm có vốn thì chuyển đổi ngành nghề nhưng không ngờ, quay đi quay lại cũng đã hơn 30 năm, dự án ga tàu đến năm 2024 vẫn nằm trên giấy. Bản thân bà nhiều lúc tự đặt câu hỏi dự án có lẽ bị bỏ quên, không triển khai nữa chăng?

Năm 2020, vợ chồng bà Thỏa đấu thầu thêm ao nuôi, mở rộng diện tích canh tác. Mỗi năm, gia đình bà Thỏa thu 1-2 tấn cá giống. Ngoài ra, họ còn cung cấp dịch vụ cho thuê ao để câu cá với giá 300.000 đồng/5 tiếng.

Nguồn thu nhập từ ao cá giúp vợ chồng bà nuôi các con khôn lớn. Hai con trai của bà Thỏa cũng theo cha mẹ, học nghề nuôi cá giống.   

"Nếu toàn bộ ao hồ nơi đây phải nhường chỗ cho dự án, vợ chồng tôi cùng các con không khỏi hụt hẫng. Tuy vậy, chúng tôi sẵn sàng chấp hành quy định của Nhà nước. Điều gia đình tôi mong muốn là Nhà nước có phương án hỗ trợ phù hợp với công sức người dân đã bỏ ra khai khẩn, tạo điều kiện chuyển đổi công ăn việc làm cho bà con nông dân như chúng tôi", bà Thỏa bày tỏ.

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h - 4

Bà Thỏa nuôi cá nhiều năm trên khu đất nằm trong quy hoạch (Ảnh: Hồng Hạnh).

Thấp thỏm chờ ga tàu

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Vũ Văn Bưởi (53 tuổi, thôn Nhị Châu) chia sẻ, bản thân không quá bất ngờ khi nghe thông tin nơi mình sinh sống sẽ xây nhà ga đầu mối của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Bưởi, đây là tâm lý của nhiều người dân bởi khoảng 40 năm nay, họ đã nhiều lần nghe đến việc quy hoạch xây dựng ga tàu. Dự án điều chỉnh và chưa rõ ngày triển khai khiến nơi đây nhiều năm nằm trong diện quy hoạch "treo".

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h - 5

Ông Vũ Văn Bưởi kỳ vọng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ được nhanh chóng xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ (Ảnh: Hồng Hạnh).

Chỉ ra lối dẫn vào khu ao nuôi cá của một số hộ dân trong thôn, ông Bưởi cho hay, con đường được hình thành từ năm 1980-1981 với mục đích để phục vụ nhà ga, thời đó người dân trong vùng hay gọi là "ga Việt Hưng", "ga Ngọc Hồi". Tuy nhiên, qua nhiều năm, mặt đường thu hẹp dần chỉ như một lối nhỏ gập ghềnh đất đá, đủ cho một chiếc ô tô di chuyển.

"Chúng tôi quan tâm duy nhất một điều đây đã phải là quy hoạch cuối cùng chưa và dự án này bao giờ được thực hiện? Khi triển khai có thi công nhanh chóng, gọn gàng không hay lại làm dăm ba bữa rồi để đường đất nham nhở, ổ gà ổ voi tứ tung?", ông Bưởi nêu câu hỏi sau khi dẫn chứng về con đường qua xã Đại Áng nối vào xã Liên Ninh xây dựng dang dở nhiều năm trong cảnh "đầu voi đuôi chuột".

Là người sinh ra ở thôn Nhị Châu, ông Vũ Văn Tuân (50 tuổi) từng nghe kể nhiều về dự án ga Ngọc Hồi. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, mọi thứ vẫn "án binh bất động".

Năm 2011, vợ chồng ông Tuân mua mảnh đất 100m2 ven đường liên xã Liên Ninh, Đại Áng để mở cửa hàng ăn. Đây là kế sinh nhai của gia đình, giúp vợ chồng ông nuôi 4 đứa con ăn học.

Những ngày gần đây, người dân trong làng nói nhiều đến đường sắt cao tốc 350km/h, ông Tuân phấn khởi vì một đại dự án mang đến lợi ích cho toàn dân sắp được triển khai. Con gái ông học ngành kỹ thuật, biết đâu cũng sẽ có cơ hội làm việc tại đây.

Dẫu vậy, như nhiều người dân trong vùng, ông Tuân không khỏi thấp thỏm, không rõ, khu đất nhà mình có nằm trong quy hoạch.

Cửa hàng của người đàn ông 50 tuổi nằm ở mặt đường, thu hút đông khách địa phương. Nếu phải di dời để nhường đất cho dự án tổ hợp ga Ngọc Hồi, ông Tuân và vợ không khỏi lo lắng cho công việc kiếm sống trong tương lai.

Ông Tuân bày tỏ: "Gia đình chúng tôi ủng hộ dự án nhà ga đường sắt, sẵn sàng di dời vì công trình quốc gia. Song, tôi hy vọng sẽ nhận được khoản đền bù xứng đáng".

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h - 6

Theo dự kiến, con đường này sẽ nằm trong tổ hợp ga Ngọc Hồi của tuyến đường sắt cao tốc (Ảnh: Hồng Hạnh).

Ông D. - người dân sinh sống ở khu tổ dân phố C, xã Liên Ninh - cho biết, từ hơn chục năm trước, ông nhận được thông báo nơi mình sinh sống nằm trong khu quy hoạch ga đường sắt. Tuy nhiên, mốc giới như thế nào vẫn chưa rõ ràng.

Vì nằm trong khu quy hoạch nên suốt nhiều năm, các hộ dân trong tổ dân phố C không thể sửa sang, xây mới nhà cửa. Nhiều gia đình có 3 thế hệ với 8-9 người nhưng phải chấp nhận cảnh sống tạm bợ, chật chội.

"Tôi mong dự án sớm triển khai để gia đình có nơi ăn chốn ở và bàn giao lại đất cho dự án", ông D. nói.

Cuộc sống bất an vì quy hoạch "treo"

 Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đăng Đốc, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Ninh cho biết, hiện xã chưa nhận được thông tin, văn bản nào về việc Liên Ninh sẽ là nơi xây dựng ga đầu mối Ngọc Hồi, điểm khởi đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

"Hiện tại, chúng tôi chỉ có bản Quy hoạch tổ hợp ga Ngọc Hồi cũ. Bắt đầu từ năm 2017, UBND huyện Thanh Trì tổ chức kiểm đếm, triển khai giải phóng mặt bằng. Xã hiện vẫn tiếp tục phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì thực hiện giải phóng mặt bằng, đền bù đất nông nghiệp cho người dân", ông Đốc cho hay.

Cũng theo ông Đốc, từ những năm 80 của thế kỷ trước, chính quyền xã và người dân trong khu vực đã nắm được thông tin Nhà nước có định hướng mở tổ hợp ga. Tuy nhiên, qua nhiều năm dự án vẫn chưa được triển khai.

Cuộc sống ở nơi quy hoạch ga Ngọc Hồi - đường sắt cao tốc 350km/h - 7

Nhiều hộ dân ở Nhị Châu mong mỏi dự án đường sắt cao tốc sớm được triển khai (Ảnh: Tuệ Minh).

Mắc kẹt trong quy hoạch, nông nghiệp của xã chỉ sản xuất cầm chừng. Người dân không dám canh tác chuyên canh, chuyên sâu. Những hộ dân ở tổ dân phố khu C bất an, thấp thỏm hơn cả vì cuộc sống đi hay ở chưa biết ra sao, nhà ở chỉ dám cải tạo sửa chữa nhỏ khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng.

"Có khoảng 200 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch. Bà con thường bày tỏ tâm tư, nêu ý kiến trong các cuộc tiếp xúc đại biểu các cấp. Tất cả đều đồng thuận ủng hộ dự án, chỉ mong dự án sớm được triển khai để ổn định cuộc sống", ông Đốc nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì đã giải phóng mặt bằng để phục vụ cho công tác tái định cư với những hộ dân có đất nằm trong tổ hợp ga Ngọc Hồi. Mặt bằng tái định cư được làm xong từ năm 2014-2015.

Đối với các hộ làm nông nghiệp, khi có quy hoạch rõ ràng, xã sẽ vận động người dân tham giac lớp đào tạo chuyển đổi nghề được mở hàng năm để người dân ổn định sinh kế.