1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Trung tâm hành chính tại Ba Vì là… khó chấp nhận!”

(Dân trí) - “Chẳng nhẽ, ông đứng đầu ngồi ở Ba Đình, ông thực thi lên Ba Vì! Chúng ta đã chọn trung tâm hành chính ở khu Tây Hồ Tây nhưng giờ khu đó dành cho các dự án của nước ngoài còn chúng ta lên Ba Vì là sao?”, đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ.

Không nằm ngoài dự đoán, trung tâm hành chính quốc gia và trục Thăng Long là những vấn đề nóng nhất trong buổi thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội về đồ án quy hoạch chung Thủ đô, chiều 3/6.
 
Không có trung tâm hành chính phi chính trị
 
Đại biểu Phạm Thị Loan “phân vân”, chuyển Trung tâm hành chính về Ba Vì, người dân sẽ đi làm như thế nào, chẵng nhẽ lại… đi xe máy. Giải pháp tàu điện ngầm không làm đại biểu này tin tưởng sớm thành hiện thực, bởi đơn cử như dự án Đại học quốc gia được tập trung thực hiện hơn chục năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa ra hình hài.
 
Cùng về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn cho rằng, việc đặt Trung tâm hành chính tại Ba Vì là… khó chấp nhận. “Chẳng nhẽ, ông đứng đầu ngồi ở Ba Đình, ông thực thi lên Ba Vì! Chúng ta đã chọn khu Tây Hồ Tây nhưng bây giờ khu đó dành cho các dự án của nước ngoài còn chúng ta lên Ba Vì là sao?”, ông Lịch phân tích.
 
Với đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, những người ủng hộ việc dời trung tâm hành chính có thể nói xu hướng hiện đại là phân biệt hai trung tâm hành chính và chính trị, nhưng theo ông ở Việt Nam không có trung tâm hành chính phi chính trị.
 
“Tôi không tin là nên tách riêng, trừ phi có người nghĩ đến năm 2050 các trung tâm hiện tại trở thành di sản văn hoá”, ông Thuyết nói. Cũng theo ông, khi tách 2 trung tâm, liên hệ công việc sẽ như thế nào, phải chăng lúc nào cũng chỉ liên hệ qua mạng và giao ban truyền hình trực tuyến?
 
“Trung tâm hành chính tại Ba Vì là… khó chấp nhận!” - 1
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng băn khoăn về trung tâm hành chính quốc gia (Ảnh: Việt Hưng)
 
Nắm rõ tình hình khối cơ quan Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm bày tỏ mối lo vì trụ sở các bộ ngành đều đã “định cư”. Trụ sở Bộ Tài chính đã xây bề thế, to lớn trong nội thành. Trụ sở Bộ Ngoại giao đang xây dựng là công trình thế kỷ, xây cho cả 100 năm. Các bộ khác cũng đã nhắm không gian quy hoạch riêng. Đặt vấn đề sau 30 năm lại dồn hết về chân núi Ba Vì, ông Khiêm cho rằng “khó nghĩ”.
 
Chuyển sang một điểm mới khác của đồ án là trục Thăng Long, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho biết, ông không hiểu trục này là trục gì, tâm linh hay kinh tế hay “do thừa đất mà làm trục này cho khác với trục khác”.
 
Trục Thăng Long cũng là băn khoăn của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, bởi trục này rất gần trục Láng - Hòa Lạc, chỉ cách nhau có 4km. “Ý kiến cá nhân, tôi không đồng ý đặt trục Thăng Long như thế, quá tốn kém”, ông Khiêm nói.
 
Đại biểu Phạm Thị Loan lại cho rằng, có sự không bình thường ở trục Thăng Long. Theo bà Loan, trục này là sự hợp thức hóa những dự án sắp cấp phép. “Sóc Sơn, Đông Anh còn rất trống, nhưng chúng ta không đả động gì đến, còn trục Thăng Long vẽ quá đẹp, người dân đổ về đây là đúng”, nữ đại biểu này nói.
 
Theo bà Loan, khi các đại biểu đang thảo luận về quy hoạch, bên ngoài thị trường bất động sản đang rất sôi động, nhất là xung quanh trục Thăng Long. Trong khi đó, ở một thái cực khác, các khu vực như Đông Anh, Sóc Sơn lại rất… êm dịu.
 
“Chỉ vẽ cho đẹp thôi!”
 
Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, đồ án quy hoạch lần này chưa đạt mục tiêu, bởi chưa giải quyết được các vấn đề đặt ra, đơn cử như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, úng ngập… Giải pháp cho các vấn đề này như thế nào, thời gian giải quyết ra sao, theo bà Loan chưa rõ. Đặc biệt, quy hoạch mới động chạm tới 30% diện tích đất, trong khi 70% còn lại vẫn giữ nguyên là làng mạc, hành lang xanh…
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, đồ án chưa đầy đủ thông tin, nhất là vấn đề hệ quả phân bố dân cư sẽ như thế nào. “Chẳng nhẽ giới trí thức, các đại gia lên Ba Vì sống, còn bà con từ Ba Vì sẽ về đây sống vì hiện nay đã có nhiều đại gia lên mua đất trên Ba Vì”, ông Đào nói.
 
“Trung tâm hành chính tại Ba Vì là… khó chấp nhận!” - 2
Quy hoạch mới động chạm tới 30% diện tích (Ảnh: Việt Hưng)
 
Nhìn tổng thể đồ án, đại biểu Trần Du Lịch nhận định, trong vòng một năm lập một quy hoạch đô thị của hơn 3.300 km2 là… “vĩ đại quá”. Theo ông Lịch, suốt hơn 1.000 năm, ông bà ta chỉ làm được 455km2 đô thị, nhưng chỉ với 20 năm đồ án đặt mục tiêu đô thị hóa gấp 3 lần và hiện đại hơn.
 
Động lực kinh tế nào để có một đô thị lớn như vậy cũng như động lực nào để có 5 đô thị vệ tinh bằng 5 thành phố Đà Nẵng hiện tại là câu hỏi ông Lịch đặt ra. “Nói 90 tỷ USD,  nhưng tôi không tin có thể đủ, không thể làm được, chúng ta chỉ vẽ cho đẹp thôi. Đô thị 10 triệu dân là siêu đô thị…cần tiếp tục nghiên cứu, không nên vội phê duyệt một đồ án như vậy”.
 
Đại biểu Phạm Thị Loan cũng nghi ngại tính khả thi của đồ án, bởi theo bà, dự án đại học Quốc gia hay con đường Ô Chợ Dừa – Voi Phục hơn chục năm không làm nổi, chứ chưa nói tới đồ án  đồ án quy hoạch “khủng khiếp” như lần này. Ngay khoản 90 tỷ USD để thực hiện quy hoạch bà Loan cũng không tin có thể tìm ra nguồn.
 
Cấn Cường - Phương Thảo