1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trung Quốc xả gấp đôi lượng nước thông thường giúp Việt Nam "đẩy" mặn

(Dân trí) - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, phía Trung Quốc đã chấp thuận xả gấp đôi lượng nước từ đập Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, xuống khu vực hạ lưu sông Mekong, gấp đôi mức trung bình so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều nay 17/3, Người Phát ngôn Lê Hải Bình đã thông tin về việc Trung Quốc phối hợp xả nước cứu hạn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau đề nghị của Việt Nam.

Thông qua các kênh ngoại giao, Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, xuống lưu vực sông Mekong để góp phần khắc phục hạn hán cũng như xâm nhập mặn của một số tỉnh ĐBSCL của Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Hữu Nghị)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Hữu Nghị)

"Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ngày 14/3, đại diện Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã gặp đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, thông báo rằng từ ngày 15/3-10/4/2016, phía Trung Quốc sẽ tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống khu vực hạ lưu sông Mekong từ 1.100 m3/s lên 2.190m3/s , gấp đôi so với mức trung bình cùng kỳ nhiều năm trước", Người Phát ngôn cho hay.

Theo Người Phát ngôn, trước khi đề nghị phía Trung Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ để lên các phương án cụ thể nhằm khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn tại một số tỉnh ĐSBCL. Đối với các đánh giá cụ thể về tác động, các cơ quan chức năng liên quan sẽ có những phân tích sâu sâu và chi tiết hơn.

Ông Bình cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đang tiếp tục tích cực trao đổi với phía Trung Quốc cũng như các quốc gia sông Mekong để cùng nhau sử dụng bền vững sông Mekong, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, cũng như người dân sinh sống trong khu vực này.

Đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại các tỉnh vùng ĐBSCL được cho là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng này được dự báo còn kéo dài đến tháng 6/2016; sẽ ảnh hướng tới 160.000ha lúa. Đến nay, có tới 155.000 hộ gia đình ở khu vực ĐBSCL đang thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, người dân phải mua nước ngọt với giá “cắt cổ” 60-80.000 đồng/m3.

Đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại các tỉnh vùng ĐBSCL được cho là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua.
Đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại các tỉnh vùng ĐBSCL được cho là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua.

Hiện nay, miền Nam đang trong giai đoạn cao điểm của El Nino, tức cao điểm của nắng nóng, hạn hán. Trong khi đó, mùa này, nước thượng nguồn sông Mekong lại đổ về rất ít do bị ngăn cản bởi hàng loạt các công trình thủy điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Vì thế nước không đủ để có thể đẩy mặn ra biển được.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sang làm việc và đàm phán với Trung Quốc xả nước tại các hồ chứa để lượng nước sông Mê Kông tăng lên.

Hi vọng, cuối tháng 4 đầu tháng 5/2016 băng tuyết ở Trung Quốc sẽ tan, từ đó nước sông Mê Kông sẽ tăng lên, nước ngọt từ con sông này đổ về ĐBSCL nhiều hơn từ đó sẽ đẩy nước mặn ra xa hơn, công tác khắc phục xâm nhập mặn cũng nhờ đó thuận lợi hơn, Bộ trưởng nói.

Nam Hằng