1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương - 981 về phía đảo Hải Nam

(Dân trí) - Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho hay, từ 21h ngày 15/7, Trung Quốc đã bắt đầu dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, sau đó di chuyển về phía đảo Hải Nam...

 
 
(Nguồn video clip: VTV.vn)

Theo đó, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc về phía đảo Hải Nam. 

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, xác nhận: Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 và toàn bộ tàu bảo vệ ra khỏi vị trí hạ đặt cũ trên thềm lục địa của Việt Nam.
 
“Hiện nay phía Trung Quốc đang tiến hành di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shinyou 981) và các tàu bảo vệ theo hướng giữa Bắc và Bắc Tây Bắc. Theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, hiện nay vị trí của giàn khoan cách vị trí hạ đặt cũ khoảng hơn 40 hải lý” - ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trao đổi với PV Dân trí vào 9h sáng 16/7.

Trước câu hỏi về khả năng Trung Quốc có hoạt động nào ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam trước khi họ rút giàn khoan không, ông Hà Lê cho biết: “Hiện tại chúng tôi chưa quan sát thấy vấn đề gì vì họ làm sâu dưới mặt nước”.

Về khả năng liệu các tàu thuyền của Việt Nam có thể tiếp cận vị trí hạ đặt cũ của giàn khoan sau khi Trung Quốc rút đi để tiến hành kiểm tra thực địa, ông Hà Lê nói: “Việc này tôi cũng chưa rõ lắm. Hiện tại lực lượng Kiểm ngư đang tiến hành quan sát nhưng vì thời tiết không thuận lợi lắm nên vẫn chưa thể có các hoạt động nào khác. Trước mắt lực lượng Kiểm ngư đang chủ động tránh bão Rammasu vì cơn bão này đang ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực giàn khoan cũ trên biển Đông”.

 
Như vậy, sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến 21h ngày 15/7, Trung Quốc đã di dời giàn khoan ra khỏi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Trước đó, ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý.

Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và toàn bộ lực lượng ra khỏi vùng biển Hoàng Sa - Việt Nam.
Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và toàn bộ lực lượng ra khỏi vùng biển Hoàng Sa - Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và tiến hành khảo sát thăm dò địa chấn 2D, 3D từ năm 2005.

Những lần như vậy, Việt Nam đều đã cử tàu dân sự thực thi pháp luật ra yêu cầu Trung Quốc không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đã nhiều lần tiếp xúc ngoại giao, trao công hàm kiên quyết phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc, gồm một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Ngày 05 tháng 8 năm 2010 và ngày 08 tháng 8 năm 2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.

Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và toàn bộ lực lượng ra khỏi vùng biển Hoàng Sa - Việt Nam.


Việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và hành động hung hăng điên cuồng của tàu Trung Quốc tấn công đâm va vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bị cộng đồng Việt Nam và Quốc tế lên án mạnh mẽ. 

Từ ngày 2/5/2014 đến nay, Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm, tiếp xúc trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam – hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong các công hàm và tại các lần tiếp xúc này, Việt Nam luôn yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc triển khai hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình và hình ảnh được thực hiện bởi các phóng viên quốc tế được Việt Nam mời ra hiện trường cho thấy rõ ràng các hành động bạo lực và hung hăng của Trung Quốc như đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu của Việt Nam, làm bị thương hàng chục cán bộ và đâm hỏng nhiều tàu của các cơ quan thực thi pháp luật dân sự của Việt Nam và đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam (ngày 26 tháng 5 năm 2014) mà không xem xét đến an toàn và tính mạng của ngư dân Việt Nam. Các hành động của Trung Quốc đã không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với những người đi biển.

Tuấn Hợp - Thảo Nguyên