1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trưng cầu ý kiến đề xuất công nhận hôn nhân đồng giới

(Dân trí) - Đề xuất sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình của Bộ Tư pháp đang được trưng cầu ý kiến rộng rãi về nội dung công nhận hôn nhân giữa những người đồng giới, việc hạ chuẩn độ tuổi kết hôn.

Trưng cầu ý kiến đề xuất công nhận hôn nhân đồng giới
Một năm trước, dư luận rất xôn xao về đám cưới của 2 chàng trai Việt đang học, làm việc tại Canada - một quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới.
 
Theo phân tích của cơ quan chủ trì soạn thảo, luật Hôn nhân và Gia đình ban hành năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, không sát với thực tế cuộc sống. Việc sửa luật lần này sẽ tập trung làm rõ nội dung nổi bật và gây nhiều tranh luận.

Luật quy định chế định “kết hôn” với định nghĩa là việc nam nữa xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Luật cũng định rõ những hành vi cấm kết hôn tại Điều 10, trong đó có nội dung “cấm kết hôn giữ những người cùng giới tính”.

Tuy nhiên, thực tế, ngày càng có nhiều những đám cưới của người đồng tính tổ chức công khai, thậm chí linh đình, như một cách “phản ứng”, một yêu cầu phá rào. Bộ Tư pháp cho rằng, xét về quyền tự do cá nhân thì kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được công nhận. Vấn đề là cần có quy định phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người Việt.

Bộ Tư pháp dẫn chứng thực tế, gần đây cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam có xu thế mở rộng, nhu cầu được kết hôn hoặc sống chung với nhau ngày càng tăng lên. Vì thế "xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận".

Trong công văn số 3460/BTP-PLDSLT gửi các ban, ngành, đoàn thể xã hội, Bộ này cũng phân tích, xét về văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết. Ở thời điểm này việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là còn quá sớm.

Tuy nhiên, từ thực tế việc chung sống giữa những người đồng tình dẫn tới các vấn đề phát sinh về nhân thân, tài sản, con cái… nếu không thừa nhận hôn nhân của người đồng tính thì cũng phải có cơ chế pháp lý điều chỉnh để giải quyết những hệ quả liên quan khi họ quyết định chấm dứt cuộc sống chung.

Công văn của Bộ Tư pháp nêu vấn đề, thực tế xét xử của tòa án trong nhiều năm qua đã có một số vụ việc tranh chấp về tài sản giữa những người đồng tính có quan hệ sống chung nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết tranh chấp. Pháp luật nhiều nước cũng đã có quy định về hậu quả pháp lý của loại chung sống này.

Một nội dung khác được đưa ra xin ý kiến là đề xuất hạ điều kiện về tuổi kết hôn so với quy định hiện hành đối với cả nam và nữ.

Luật Hôn nhân và Gia đình ban hành năm 2000 quy định độ tuổi kết hôn của nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên. Bộ Tư pháp cho biết,trong quá trình tổ chức lấy ý kiến phục vụ soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng quy định về độ tuổi này đã không còn phù hợp, cần điều chỉnh theo hướng giảm xuống.

Nhiều chuyên gia luật cho rằng, đứng về góc độ pháp lý, việc xác định tuổi được kết hôn phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn và phong tục tập quán địa phương nơi họ sinh sống. Trên thực tế, nhiều trường hợp dù không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau và sinh con bình thường. Đề xuất hạ độ tuổi kết hôn đối với nữ xuống 17 tuổi, thậm chí 16 tuổi theo đó là hợp lý.

Tuy nhiên, ở góc độ y học, các chuyên gia y tế cảnh báo, phụ nữ ở độ tuổi 18 khung xương chậu chưa phát triển hết, chưa sẵn sàng cho việc sinh con. Đến tuổi 22 tuổi, sự phát triển cơ thể người nữ mới đầy đủ, phù hợp cho việc sinh nở. Hạ tuổi kết hôn có thể làm bùng nổ dân số, tăng đột biến số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, số trường hợp mổ đẻ cũng tăng cao cùng với việc hạ tuổi làm mẹ.

P.Thảo