“Trạm thu giá là cách dùng ngôn ngữ dễ gây hiểu lầm, nên sửa”
(Dân trí) - Đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho rằng việc Bộ Giao thông vận tải thay từ “trạm thu phí” đã phổ biến từ trước đến nay bằng “trạm thu giá” là cách dùng ngôn ngữ dễ “gây hiểu lầm, hiểu sai” và cần sửa.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 23/5, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đang giải thích câu chuyện này theo hướng các trạm BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) là sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư thì phải tính đến lợi nhuận thu được để bù đắp cho đầu tư ban đầu. Việc đó phải làm sao để có lợi cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên chữ “giá” trong “trạm thu giá” của Bộ Giao thông vận tải không có nghĩa căn cứ theo từ điển tiếng Việt. Chính vì thế, vị đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng việc người dân phản ứng là có căn cứ để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt và chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý.
“Đã là nhà nước thì phải dùng ngôn ngữ phổ thông, chuẩn mực, dễ hiểu và trước hết là thuần Việt”- ông Vân nói.
Theo Luật Giá, giá phải phản ánh đúng chi phí đầu vào- đầu ra, lợi ích cho các bên và là quy tắc để tính toán nghĩa vụ đóng góp của những người sử dụng dịch vụ.
Những người tham gia giao thông, nhất là các tài xế xe tải, phản ứng các trạm thu phí BOT trong thời gian qua đâu phải ở chỗ gọi là gì, mà ở mức giá.
“Trong câu chuyện này, thoả thuận của nhà đầu tư với người chấp nhận dịch vụ chính là chi phí mà người tham gia giao thông phải bỏ ra có hợp lý so với mức đầu tư của nhà đầu tư không? Cao quá thì người ra sẽ phản ứng, vừa phải là họ chấp nhận. Đó là một hợp đồng bất thành văn giữa một bên là nhà đầu tư với một bên là người tham gia giao thông về việc chấp nhận mua vé”- ông Vân phân tích.
Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ, đã là BOT thì phải có một bên đầu tư và bên kia hưởng dịch vụ, còn nhà nước có trách nhiệm cung cấp giao thông phổ biến nhất cho nhân dân. Những gì mà nhà nước thu của người dân thông qua thuế, ngân sách, nhà nước phải đảm bảo giao thông tối cần thiết cho nhân dân. Chính vì thế, chỉ những chỗ doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư để người dân có sự lựa chọn tốt hơn thì mới được thu tiền.
Đại biểu Lê Thanh Vân không đồng tình với việc Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào chữ nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật để lý giải cho cách gọi “trạm thu giá”.
“Nguồn gốc khởi xướng chính sách là từ các cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Giao thông vận tải. Nếu Bộ này không đề xuất thì Chính phủ sẽ không ban hành nghị định như vậy. Sai thì nên sửa, không nên viện cớ gốc rễ là luật, là nghị định”- ông Vân nói.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí chiều 23/5, TS Lê Hồng Sơn- nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng tên gọi trạm thu giá "gây bão mạng" và bị phản ứng là điều dễ hiểu. Chính vì thế, Bộ Tư pháp cần vào cuộc rà soát lại các văn bản, cơ sở liên quan đến vấn đề này.
Không đúng với cách dùng từ "giá" trong tiếng Việt
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, việc đổi tên "trạm thu phí" sang "trạm thu giá” BOT được sử dụng lần đầu trong Thông tư 49/2016 của Bộ Giao thông vận tải.
Dù Bộ Giao thông vận tải đã có giải thích sự khác biệt giữa khái niệm "phí" (do nhà nước ấn định) và "giá" (do doanh nghiệp ấn định), nhưng theo ông Cổn, dùng cụm từ "trạm thu giá" làm tên gọi cho các trạm thu phí cũ là không chính xác và không đúng với cách dùng của từ "giá" trong tiếng Việt.
"Phí" là "khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ” cho nên có thể nói "nộp phí", "thu phí", theo nghĩa là nộp hay thu "một khoản tiền phải trả" cho một công việc hay dịch vụ nào đó. Ngược lại, từ "giá" có nghĩa chính là "biểu hiện giá trị bằng tiền", chứ không phải là "khoản tiền phải trả…". Do đó, chỉ có thể nói "giá bao nhiêu?" hoặc "giá 5 triệu đồng" mà không thể nói "nộp giá", "thu giá".
"Như vậy, có thể hiểu vì sao việc dùng cụm từ "trạm thu giá" không được dư luận đồng tình"- ông Cổn nói.
Thế Kha